Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Dinh dưỡng & Sức khoẻ

Khổ vì bệnh mùa nóng

Đăng lúc 11:04 ngày 09/05/2007
Photo
Những đợt nắng nóng gay gắt trong những ngày qua đã khiến không ít người khổ sở. Khổ vì nóng bức đã đành, không ít người lại còn khổ vì một số bệnh ăn theo thời tiết như viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hoá...
 


Dễ bị viêm xoang, viêm mũi

Để trốn nóng, nhiều người cứ tưởng ở nhà “phòng thủ” với chiếc quạt máy hoặc máy lạnh là xong, nào ngờ lại bị “dính” những bệnh đường hô hấp. TS-BS Trần Minh Trường, trưởng khoa tai mũi họng BV Chợ Rẫy, cho biết khi nằm ngủ nhiều giờ dưới quạt máy, máy lạnh, họng sẽ bị khô dễ dẫn đến viêm họng. Từ đây vi khuẩn hoặc virus sẽ tấn công sang những vùng kế bên như mũi, xoang làm bệnh nặng thêm.

Một giải thích khác là máy lạnh làm cho không khí trong phòng khô hơn, khiến những tác nhân gây dị ứng như bụi bặm, con mạt, nấm mốc bị thổi tung vào không khí và gây bệnh, đặc biệt cho người có cơ địa dị ứng hoặc có bệnh viêm mũi, viêm xoang trước đó. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh đôi lúc không ngờ đến, đó là việc từ môi trường nắng nóng bên ngoài vào trong phòng lạnh hoặc ngược lại, hoặc do uống nước đá quá nhiều. Cả hai nguyên nhân này đều làm cho nhiệt độ cơ thể hoặc vùng họng thay đổi đột ngột, khiến những mầm bệnh có sẵn trên người có điều kiện phát triển.

Theo TS Trường, những triệu chứng đầu tiên của viêm mũi-họng là hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho khan, người mệt mỏi, sốt nhẹ, ớn lạnh… Khi thấy những triệu chứng này, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc cảm sốt thông thường, giảm bớt cường độ lao động hoặc nghỉ ngơi, tăng cường bồi dưỡng cơ thể. Sau vài ngày không bớt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý.

Rối loạn tiêu hoá tăng mạnh

Thời tiết nóng làm người ta ăn uống không còn ngon miệng, ăn uống thất thường, khiến hệ thống tiêu hoá bị đảo lộn nhịp điệu. Một số người do hoàn cảnh phải chọn giải pháp ăn uống ngoài đường thay cho ăn nhà, từ đây họ dễ bị ngộ độc do thức ăn ôi, thiu hoặc ô nhiễm.

Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, trưởng phòng an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế TP.HCM, cho biết trời nóng sẽ khiến cho thực phẩm bày bán bên ngoài dễ huỷ hoại làm phát sinh những mầm bệnh nguy hiểm, chưa kể tình trạng vệ sinh xuống cấp khi hàng quán phải phục vụ một lượng khách hàng quá nhiều. Tuy nhiên, do hệ miễn dịch kém hơn người lớn, nên trẻ em là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hoá nhất. Những ngày qua, số trẻ đến khám vì tiêu chảy ở các bệnh viện nhi đồng TP.HCM vẫn ở mức cao. Triệu chứng chung là sốt, ói mửa, đi cầu phân lỏng nhiều lần mỗi ngày. Nếu thấy trẻ tiêu chảy trên 3 lần/ngày, cần bù nước bằng cách cho trẻ uống dung dịch Oresol. Không sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy tuỳ tiện. Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu bệnh không bớt hoặc kèm theo sốt, lừ đừ, đi cầu lẫn máu.

Lưu ý để phòng ngừa bệnh mùa nóng

1. Khi ngủ không hướng thẳng máy quạt vào mặt, nếu sử dụng máy lạnh thì điều chỉnh ở nhiệt độ 28oC.

2. Giữ nhà khô ráo, sạch sẽ, thoáng khí, hút bụi thường xuyên để loại bỏ con mạt, nấm mốc.

3. Tránh lạm dụng nước đá. Hạn chế làm thân nhiệt thay đổi khi từ trong phòng lạnh bước ra ngoài trời nóng hoặc ngược lại.

4. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi cầu. Ăn uống thực phẩm nấu chín, hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch.

Bệnh dịch thoái trào, nhưng vẫn cảnh giác

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết trong vài tuần tới các bệnh tay chân miệng, trái rạ sẽ thoái trào. Tuy nhiên, người dân cũng không nên lơ là với các bệnh này, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết vì dự báo bệnh sẽ bùng phát mạnh trong năm nay. Biện pháp dự phòng chung là cho trẻ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ, vệ sinh ăn uống tốt.


Qua Tang Online