Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Cửa sổ tâm hồn

Sợ

Đăng lúc 19:10 ngày 25/05/2013

Con người luôn đứng trước nỗi sợ hãi. Hồi còn đi học sợ nhất học bài. Mỗi tối đến giờ học bài là tìm cách để tránh: tìm một cái gì đó làm để giết thời gian hay ước chương trình bông hoa nhỏ trên ti vi kéo dài mãi mãi.


 
Con người luôn đứng trước nỗi sợ hãi. Hồi còn đi học sợ nhất học bài. Mỗi tối đến giờ học bài là tìm cách để tránh: tìm một cái gì đó làm để giết thời gian hay ước chương trình bông hoa nhỏ trên ti vi kéo dài mãi mãi.

Nhưng xem ti vi
mãi cũng bị nhắc nhở.


Nhưng xem ti vi mãi cũng bị nhắc nhở. Không khéo ba mạ lại lôi túi xách của mình ra để kiểm tra xem học được cái gì, viết lách, chữ nghĩa ra sao thì lại càng nguy. Sợ cái sự học chưa dừng lại ở đó. Đến lớp chưa thuộc bài sợ thầy cô kiểm tra bài cũ; không học bài thì sợ kiểm tra, thi cử không qua. Có ngàn cái để sợ. Và nỗi sợ hãi đó đã len lỏi vào giấc mơ. Trong giấc mơ mình sợ trễ học, vào giờ học rồi mà vẫn còn chạy giữa đường. Chạy ba chân bốn cẳng mà vẫn không kịp. Rồi lại đứt dép, xe đạp hỏng xích...

 

Và về già, con người ta sợ mất tuổi xuân, sợ cái chết.
 
Khi đã có tuổi con người ta càng đối diện với nhiều nỗi sợ. Sợ không no đủ, sợ con cái không theo ý mình. Trong các nỗi lo toan đó thì nỗi sợ về thời gian - sợ trễ - dường như lớn hơn cả.
 
Tôi nhớ bà ngoại tôi khi bà ngấp nghé tuổi 70. Buổi sáng bà dậy sớm đánh thức cả nhà dậy bằng câu: “Dậy bây ơi, mặt trời cao quá cây sào rồi”. Sau đó lại nghe thấy tiếng dép đi lui đi tới giữa nhà như tiếng ai gõ mõ tụng kinh. Trong lúc còn ngái ngủ, tôi nghe mồn một tiếng bà đổ gạo vào nồi cái soạt. Dù buổi sáng mỗi người đi mỗi ngả, chẳng dùng cơm nhưng bà thường đong gạo sớm để chuẩn bị cho buổi trưa. Bà lại sợ trưa nhiều việc xúc gạo đổ vào nồi không kịp. Cứ như vậy, buổi trưa vừa ăn xong là bà xúc gạo đổ vào nồi để chờ buổi tối, dù công việc đó chỉ cần 30 giây là có thể làm được.
 
Mỗi lần tôi đi xa trở về nhà, vừa về đến nhà bà lại hỏi khi nào lại đi. Và lại bảo: “Có đi thì đi cho rồi kẻo trễ”. Lúc đó nếu buổi chiều đi thì tôi sẽ bảo bà ngày mai tôi đi, chứ không chiều hôm đó bà lại đi theo sau lưng giục: Đi cho rồi kẻo trễ cháu...
 
Bà tôi đã mất 20 năm để tìm lại con trai của mình - cậu tôi, cũng vì việc trễ. Năm ấy giặc càn quét người dân bỏ làng chạy. Bà dắt cậu chạy. Khi ra đến bến đò bà chạy vào lấy áo quần. Chạy ra lại bến đò được nửa đường thì nhớ mấy giấy tờ quan trọng nằm trên nóc nhà cần phải mang đi không thôi mất nên quay lại lần nữa. Xong xuôi mọi thứ, ra đến bến đò thì cậu tôi không còn ở đó. Việc trễ một chuyến đò làm ngoại tôi phải mất 20 năm ngóng tìm con.
 
Và nỗi sợ trước thời gian luôn ám ảnh ngoại đến lúc chết. Trong cơn mộng mị giữa trời và đất, bà kêu mạ tôi đến nói: “Bảo mấy đứa bỏ gạo vào nồi mà nấu kẻo trưa lắm rồi”.
 
Thời thanh niên của mỗi con người dường như nỗi sợ về thời gian không là bao. Họ đốt thời gian trong quán cà phê, tiệm net hay một vũ trường xa hoa nào đó. Họ thường hành động theo kiểu nước đến chân rồi nhảy. Và nghiêm trọng hơn, họ thấy khát nước mới đào giếng. Càng đào càng thấy khát và cuối cùng chẳng bao giờ đào được giếng trước cơn khát cháy bổng.
Nỗi sợ hãi trước thời gian của bà ngoại theo suốt hành trình của tôi. Dù không lên chuyến xe nào cả nhưng cứ thấy mình như đang trễ. Bởi thế, phải chạy.
 
Sưu tầm



Qua Tang Online