Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Lễ hội văn hóa trà 2006

Đăng lúc 09:27 ngày 16/12/2006
Photo
Thú thưởng thức trà thể hiện nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác. Ông bà xưa từng nói: Bình minh nhất cử trà, lương ý bất đáo gia. Ngày nay, ngoài lợi ích cho sức khỏe, trà còn có tầm quan trọng về kinh tế.
 


8 tháng đầu năm 2006, 64.200 tấn trà Việt Nam xuất khẩu sang 63 thị trường nước ngoài thu về 66 triệu 800 ngàn đô la Mỹ.

Lễ hội văn hóa trà 2006 do tỉnh Lâm Đồng tổ chức từ ngày 20 đến 24-12-2006 tại thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Đây là dịp liên hoan gặp gỡ các danh trà, hội thảo, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, hội chợ triển lãm, thương mại du lịch rất phong phú, đầy sắc màu và ấn tượng.

Tại Đà Lạt còn có diễu hành xe hoa thương hiệu trà, đêm hội “Sắc hương trà Việt” gồm 5 chương: Huyền thoại đất Trường Xuân, Những nụ cười trong sương, Một thoáng hồn quê, Hội ngộ danh trà, Sắc hương trà Việt; giao lưu giữa các đài phát thanh truyền hình khu vực phía Nam “Gặp gỡ mùa cúc quỳ”, vũ hội hip hop “Nhịp điệu xanh 2006”, đêm hội “Đà Lạt lung linh mùa đông”.

Ngoài ra còn các hoạt động mang ý nghĩa tôn vinh và khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề trồng, chế biến, xuất khẩu trà ở Lâm Đồng trong 80 năm qua.

“Hội chợ - triển lãm - thương mại - du lịch Đà Lạt 2006” chào mừng lễ hội văn hóa trà có khoảng 350 gian hàng tham gia, là cơ hội để các doanh nghiệp trong cả nước gặp gỡ, trao đổi thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Mỗi gian hàng trưng bày được thiết kế mang đậm tính mỹ thuật, hấp dẫn, sáng tạo, độc đáo qua từng sản phẩm, từng thương hiệu của doanh nghiệp và có chính sách khuyến mãi, hậu mãi tạo ra sức hấp dẫn cho người tham quan.

Khách đến lễ hội ghé thăm địa chỉ vàng “Sở trà Cầu Đất” tại Nhà máy trà Cầu Đất - xã Xuân Trường cách Đà Lạt 26km. Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, cảnh quan tươi đẹp với những đồi trà bạt ngàn thấp thoáng trong sương mù giăng phủ.

Năm 1927 Sở trà Cầu Đất được thành lập và hiện nay còn lưu giữ những cỗ máy trên 80 năm tuổi và bộ ảnh tư liệu quý trên 50 năm.

Công viên Xuân Hương xây dựng khu vực “Hương quê” với những quán nước chè ở làng quê đồng bằng Bắc bộ ngày xưa; khu triển lãm dụng cụ chế biến trà thủ công: lò, chảo, nia, gùi…; trưng bày 200 bộ ấm chén trà Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; giới thiệu và bán sản phẩm trà của 35 thương hiệu trà nổi tiếng của Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; biểu diễn nghệ thuật pha trà và các phong cách thưởng thức trà: miền Bắc với trà Thái Nguyên và hát xẩm - quan họ Bắc Ninh, miền Trung với trà Tiên và ca Huế, Đà Lạt với trà Tâm Châu, trà dưỡng sinh và ca nhạc thính phòng.

Lễ hội văn hóa trà còn trình làng những điểm nhấn hào hứng, đó là cuộc thi chất lượng trà cúp “Cành chè vàng 2006", thi văn hóa ẩm thực trà cúp “Văn hóa trà 2006”, lễ gắn thương hiệu “CHEVIET” cho những sản phẩm đạt tiêu chí chất lượng trà, liên hoan 20 nhóm hip hop ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, triển lãm “Hoa địa lan Đà Lạt” v.v…


Qua Tang Online