'Người làm phê bình phải là thầy của công chúng' - là luận điểm Diderot đưa ra từ 300 năm trước về việc phê bình văn học nghệ thuật.
'Người làm phê bình phải là thầy của công chúng' - là luận điểm Diderot đưa ra từ 300 năm trước về việc phê bình văn học nghệ thuật.
Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Diderot, nhà xuất bản Tri Thức cho ra mắt cuốn sách Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật. Một buổi tọa đàm về phong cách phê bình của Diderot vừa diễn ra hôm 7/9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp với sự tham gia của GS. Phùng Văn Tửu và GS. Trần Đình Sử.
Denis Diderot (1713 - 1784) là kiến trúc sư của công trình Bách khoa thư (Encyclopédie) đồ sộ, nhà văn có nhiều đóng góp độc đáo, nhà triết học duy vật, sôi nổi "lòng yêu chân lý và chính nghĩa", nhà phê bình nghệ thuật sắc sảo.
GS Phùng Văn Tửu là người theo đuổi nghiên cứu các công trình, tác phẩm của Diderot từ lâu, ông đã dịch nhiều công trình, tiểu luận của Diderot và lựa chọn những bài viết phê bình hay tập hợp thành cuốn sách Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật. Trong cuốn sách này, GS Phùng Văn Tửu có bài giới thiệu hết sức công phu về thân thế, sự nghiệp, trước tác của Diderot. Cuốn sách có bảy công trình gồm luận văn, tùy bút và những cuộc trò truyện mà Diderot bàn về mỹ học và phê bình nghệ thuật: Luận về cái đẹp; Về những tác gia và các nhà phê bình;Những tùy bút về hội họa (bao gồm những tiểu luận nhỏ: Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi về hội họa, Những ý nghĩ vụn vặt của tôi về màu sắc, Tất cả những gì tôi đã hiểu trong đời tôi về sáng tối, Điều mọi người biết về biểu hiện và khía cạnh mọi người không biết, Đoạn về bố cục ở đấy tôi hy vọng là tôi sẽ nói đến nó, Vài lời của tôi về kiến trúc, Một hệ luận nhỏ từ những vấn đề trên);Châm biến I; Tán dương Richardson; Trò chuyện với Dorval về Đứa con hoang; Ý kiến ngược đời về diễn viên.
|
Bìa cuốn "Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật" |
Có mặt tại buổi tọa đàm hôm 7/9, GS. Trần Đình Sử đánh giá, chỉ cần qua cuốn sách có thể thấy các vấn đề về văn học nghệ thuật mà Diderot đưa ra có phổ rất rộng, ông bàn từ chuyện phê bình văn chương, tới hội họa, kịch nghệ, tiểu thuyết... Để minh chứng cho điều này, GS. Trần Đình Sử đã giới thiệu khái quát nội dung cuốn Từ mỹ học tới các loại hình nghệ thuật.
Trong Luận về cái đẹp, Diderot bàn về những phạm trù lõi cốt của mỹ học. Với ông, cái đẹp là tất cả những gì gợi nên trong tôi những ý niệm tương quan, đó là sự hài hòa, trật tự giữa màu sắc, hình dáng, âm thanh... Một câu thơ có đẹp hay không phải đặt trong một bài thơ, một con người có đẹp hay không phải đặt trong môi trường, cái đẹp có đẹp hay không phải có sự tổng thể.
Trong chương Về tác giả và các nhà phê bình, Diderot dường như là người đầu tiên thổi bùng lên mối bất hòa giữa tác giả và nhà phê bình. Cách giải quyết của ông có rất nhiều điểm sâu sắc. Dựa vào cái chân, thiện, tốt để đánh giá tác phẩm, tuy nhiên tiêu chuẩn chân thiện mỹ không giống nhau. Theo ông chỉ những người sáng tác tồi mới thích khen, người sáng tác đích thực luôn phê bình mình một cách nghiệt ngã, để nâng cao chất lượng tác phẩm của họ. Theo Diderot phải 55 tuổi trở lên mới làm được công việc phê bình, lúc đó mới hiểu đời, hiểu nghề, hiểu nghệ thuật để làm nghề phê bình. Với ông phê bình rất là khó, giữa người phê bình và tác giả lại càng khác nhau. Muốn phê bình một tác phẩm phải dựng lên một hình mẫu, lý tưởng riêng của mình, đem cái của mình để hiểu được lý tưởng của tác giả. Phê bình không phải là chính trị mà phải đồng hành cùng nhà sáng tạo.
Chương ba là Những bài tùy bút về hội họa, gồm có bảy bài viết nhỏ sâu sắc. Trong "những ý nghĩa kỳ quặc của tôi về hội họa", Diderot coi hiểu tự nhiên là điều quan trọng, nghệ thuật mô phỏng tự nhiên là mô phỏng các quy tắc chứ không đơn giản là mô phỏng sự vật. Do đó tự nhiên là chống mọi thứ giả tạo, chống công thức, xơ cứng...
Ông cũng mở rộng khái niệm tự nhiên trong xã hội. Trong bài Những ý nghĩ vụn văt của tôi về màu sắc, nói là vụn vặt nhưng lại là một thiên nghiên cứu về màu sắc. Diderot đề cao màu sắc tự nhiên thông qua phân tích màu da trên khuôn mặt con người: da màu thiếu nữ, da màu người già ốm đau. Bên cạnh đó còn có các bài tiểu luận nhỏ như: "Tất cả những gì tôi hiểu trong đời tôi về sáng tối" thể hiện Diderot là một người quan sát có tính khoa học, ông cho rằng đừng nghĩ bóng tối là không có màu sắc. Sự quan sát của ông cho thấy mọi thứ xung quanh tưởng chừng đơn giản nhưng rất phức tạp.
Còn "Điều mọi người biết chưa thật là tôi đã biết" nghiên cứu về những biểu hiện của con người, ông cho rằng phải hiểu thì mới biết về hội họa. Diderot coi trọng bố cục trong hội họa, ông phân tích những bố cục hỏng, bố cục thành công, đặc biệt là những bố cục trong hội họa qua các bức tranh, qua các bức tượng. Diderot cũng bàn về kiến trúc, ông nói kiến trúc phải gắn liền với hội họa, điêu khắc. Một nhà kiến trúc mà không hiểu hội họa thì không thể làm được, ông bàn về không gian, cái lớn, cái nhỏ, sự hài hòa, sắp đặt.... Sau khi bàn tất cả vấn đề trên của hội họa, Diderot nói trong nghệ thuật, cái thật, cái tốt và cái đẹp khăng khít với nhau, không tách rời nhau. Tư tưởng này là niềm tin của các nhà khai sáng. Dù thế nào thì cũng phải đi tới chân thiện mĩ. Đó là lý tưởng để ta vươn tới.
|
GS Phùng Văn Tửu và GS Trần Đình Sử (phải) tại buổi tọa đàm |
Trong chương Châm biếm, Diderot nói về thơ, nhưng đây là thơ trong kịch, chứ rất ít bàn về thơ trữ tình. Còn trong tiểu luận Tán dương Richardson, ông coi Richardson là nhà tiểu thuyết nổi tiếng đương thời. Thời đó người ta chưa đánh giá cao tiểu thuyết và Diderot là người đầu tiên ngợi ca hết lời tiểu thuyết.
Phần thú vị nhất trong cuốn sách chính là Trò chuyện với Dorval về đứa con hoang. Diderot đã tự tưởng tượng ra cuộc trò chuyện của ông với nhân vật Dorval trong vở Đứa con hoang mà ông sáng tác ra. Ông trao đổi với Dorval về nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng các lớp, bố cục... ông đối thoại với chính vở kịch của mình. Ngày nay có thể coi đó là một tiểu thuyết, còn ở thế kỷ 18 thì đó là phản tiểu thuyết.
Phần cuối của cuốn sách là tiểu luận Ý kiến ngược đời về diễn viên. Đây là một tiểu luận dài, cho rằng diễn viên lên sân khấu phải là một người tỉnh táo, lý trí, không được nhập thân. Ông là nhà lý tính chủ nghĩa, ông không tin cảm xúc hay biến đổi. Ông coi những người hay mẫn cảm, hay khóc lóc thì hay thay đổi. Diễn viên mà cứ xúc cảm thì hay làm thay đổi vở diễn. Còn người lý tính thì xây dựng nhân vật hình mẫu trong tâm tưởng mình, và trong hàng trăm buổi diễn thì thể hiện một nhân vật đó giống hệt nhau. Ông coi biểu diễn là sáng tạo ra những ký hiệu, thông qua hệ thống ký hiệu đó mang lại tín hiệu, thông tin, cảm xúc cho khán giả.
Là người nghiên cứu, dịch và tập hợp cuốn sách, GS. Phùng Văn Tửu cho rằng những điều mà Diderot đưa ra trong cuốn sách đã được 300 năm trước, nên nó mang tinh thần thời đại ấy, có thể đến ngày nay có nhiều điểm chúng ta đã vượt qua, hoặc không phù hợp với thời đại chúng ta, song có nhiều điểm vẫn còn giá trị cho tới ngày nay.
Theo - Hiền Đỗ - Vnexpress