Mùa hè dễ mắc bệnh về mắt
Đăng lúc 21:18 ngày 02/08/2013
Ít ai biết rằng, đi bơi ở bể bơi công cộng lại có thể là nguyên nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh về mắt như viêm kết mạc, đau mắt đỏ…
Mắt cũng nhiễm vi khuẩn sinh dục
Từ trước khi các con nghỉ hè, vợ chồng anh Ninh, chị Đào ở Đồng Nai đã lên sẵn kế hoạch đưa 2 con đi biển nghỉ mát. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, anh chị quyết định đưa con đi Sầm Sơn để nghỉ ngơi mấy ngày.
Kể từ sau chuyến đi nghỉ đó, 2 con của anh Ninh tỏ ý muốn được học bơi. Chưa có điều kiện cho con đi học bơi chính thức ở lớp nào, cứ cách 1-2 hôm, anh chị lại thay nhau đưa các con đến bể bơi công cộng để tập bơi.
Sau hơn 1 tuần chăm chỉ đi bơi như vậy, cô con gái của anh chị có biểu hiện bị đau mắt, gỉ mắt nhiều, mắt đỏ, ngứa khiến bé luôn phải đưa tay lên dụi mắt. Mua thuốc nhỏ mắt về tra cho con 3 - 4 ngày không thấy đỡ, anh quyết định đưa con đến Viện mắt Trung ương để khám và điều trị đúng bệnh.
Bác sĩ kết luận cháu bé bị đau mắt do nhiễm một loại vi khuẩn sinh dục có tên chlamydia. Bác sĩ giải thích, đây là loại vi khuẩn tồn tại và có thể lây nhiễm trong môi trường nước.
Không tắm bể bơi, đi biển nghỉ mát chị Hương Thu ở Thanh Trì, Hà Nội cũng phải nhập viện vì đau mắt. Chuyện là, tuần trước trên đường đi làm về, chị bị một vật gì đó bay vào mắt, phản xạ tự nhiên lấy tay day dụi liên hồi, nước mắt chảy vòng quanh mà mắt vẫn không thể nào mở ra được.
Mất 15 phút dụi mắt không thấy đỡ, chị phải gọi bạn đến đưa về vì không thể tự điều khiển xe được nữa. Ngủ một giấc hy vọng thức dậy sẽ hết, không ngờ sau khi dậy mắt chị sưng húp và như có vật gì đó vẫn vướng cộm bên trong.
Ngay hôm sau chị đến bệnh viện mắt nhờ bác sĩ can thiệp. Bác sĩ cho biết, chị bị lông sâu vào mắt, do dụi nhiều làm tổn thương kết mạc dẫn đến bị viêm kết mạc.
Cần chủ động phòng tránh đau mắt mùa hè
Mùa hè, bệnh nhân khám vì bị các bệnh về mắt thường đông hơn bình thường. Vì đây là khoảng thời gian dễ mắc các bệnh lý liên quan như dị ứng thời tiết, bệnh mùa nóng, trong đó có bệnh đau mắt.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh về mắt trong mùa hè mà việc đi bơi trong các bể bơi công cộng là nguyên nhân phổ biến. Tiếp xúc với nước ở bể bơi công cộng không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng cơ hội lây nhiễm các loại vi khuẩn như chalamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục. Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, ảnh hưởng giác mạc.
Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Bệnh viện mắt Trung ương cho biết, một bệnh lý về mắt trong mùa hè điển hình là viêm kết mạc và dịch đau mắt đỏ. Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh viêm kết mạc là mắt ngứa, khám lâm sàng nhú gai trên kết mạc sụn, thẩm lậu vùng rìa, ánh củng mạc mờ đục. Đối với bệnh đau mắt đỏ thì bệnh nhân hay có cảm giác mắt mờ, chảy nước nước và sợ ánh sáng.
Mùa hè cũng là thời điểm dễ bùng phát dịch đau mắt đỏ do virus gây ra, lây lan rất nhanh, biểu hiện chung là sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch, đỏ mắt, ra gỉ, cộm rát. Ngoài ra, mùa hè cũng là nguyên nhân gây bỏng da mi, xung huyết kết mạc, tổn thương biểu mô giác mạc do tắm nắng.
Theo bác sĩ Đông thì dù là bệnh lý gì, việc phòng ngừa bệnh đau mắt mùa hè cũng đóng vai trò rất quan trọng. Việc đầu tiên và thường xuyên phải làm là vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch. Khi bị bụi hoặc nước bẩn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt, nếu không được cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để lấy bụi, gắp dị vật và tra thuốc sát khuẩn.
Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng nhất là vào buổi trưa như đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo kính râm chống tia UV…
Những bệnh nhân bị mắt đỏ khi có triệu chứng như mắt nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng… nên đến khám bác sĩ nhãn khoa để được khám và chẩn đoán đúng bệnh. Đồng thời, nếu xung quanh có người bị đau mắt đỏ thì cần đề phòng cách tránh tiếp xúc qua đường hô hấp, rửa mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày…
Nếu đã bị viêm loét giác mạc, đau mắt đỏ… thì nên đến khám tại bệnh viện có đủ điều kiện về chẩn đoán, xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, tránh tự ý mua thuốc nhỏ mắt về tra.
Sưu tầm