Thôn Kim Lũ ( xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tên gốc của Kim Lũ Thuộc Thanh Đàm cổ ấp, dân thường gọi là Làng Lủ có cách đây 500 năm.
Nơi làng cũ ở Bồ Đa, Gò Sở (xứ đồng của làng), do phong thủy chưa đạt như ý muốn nên làng chuyển dần về ven sông Tô Lịch, đất của làng bây giờ được coi là địa linh tứ khí, nhân hòa vật thịnh. Về phía đông thì có sông Tô Lịch, phía tây có hai cánh đầm, đầm trên, đầm dưới, phía bắc giáp xã Hạ Đình, phía nam giáp với Thanh Liệt (quê hương của Chu Văn An, một nhà sư phạm lớn).
Theo các cụ cao niên kể lại, nghề làm bỏng, kẹo có từ thời Hậu Lê, những gánh hàng rong ở Kim Lũ đã theo vào kinh thành Thăng Long để phục vụ cho mọi người. Thực ra, những mặt hàng ở đây đâu chỉ có chè lam? Người ta còn làm ra cả bánh nướng, bánh dẻo, kẹo dồi...
Chè lam là thứ hàng độc nhất vô nhị do người Kim Lũ "chế tạo", chỉ áp Tết Nguyên Đán hàng năm mới có. Sự đặc biệt của loại đặc sản này tên gọi là chè, những hình dáng lại có dạng giống kẹo (nhưng không gọi là "kẹo lam", du khách có dịp tới thăm đại danh nổi tiếng này, chỉ cần đến đầu làng đã ngửi thấy mùi thơm đặc trưng dễ chịu được tỏa ra từ những lò bánh kẹo, thứ hương vị níu kéo thật khó quên làm sao.
Công nghệ làm chè lam cũng không đơn giản như người ta tưởng, bước đầu là phải kén mua loại thóc nếp già hạt và mẩy, cẩn thận, khi mua về, có người còn mang ra phơi lại cho thật khô, sau đó, thóc được rang vàng với cát bằng chảo gang, mỗi lần rang cũng chỉ được một ca, khoảng 6 lạng, thứ nhiệt cấp cho việc rang, tốt nhất là than củi. Khi rang, người thợ phải đảo cho thật đều tay, đề phòng lúc thóc chín nổ bắn ra ngoài, người ta cho quây vải hay miếng tôn quanh chảo.
Khi hạt thóc đã ngậm đủ sức nóng trong chảo, chúng gần như "đồng thanh" reo nổ để chuyển sang dạng bỏng. Khi được bỏng, khâu tiếp theo là khâu phân loại: Cát trả về với cát, bỏng "đứng sang một bên" (những hạt nổ kém, tạp chất…cũng phải loại ra). Bỏng đủ tiêu chuẩn, chuyển đến công đoạn xay thành bột, xưa thì phải giã bằng chày tay, tựa như giã giò lụa trong cối đá, bột lúc này có màu trắng như tuyết là được.
Bột làm xong, được trộn mật mía (thường là mật mía mua từ Phùng, Mai Lĩnh), mạch nha, nước, sau đó được đưa lên chảo quấy đều, đun sôi, kiểm tra bằng đũa cái, khi giơ cây đũa lên, chất keo chảy theo hình đuôi nheo là được. Lúc này, những vị của thảo quả (thảo quả phải rang cho thơm, giã nhỏ) rồi đến gừng tươi giã nhỏ, lạc rang mảnh, bột nếp "binh chủng hợp thành" được tham gia và người ta trộn cho thật đều, sau đó quả bột được đổ ra tấm phản được vê, nặn thành những thỏi dài được cắt bằng dao. Lúc thì hình con chì, lúc thì hình elíp, thật đa dạng…
Chè lam Kim Lũ vẫn còn đó không chỉ ở riêng Hà Nội, chè theo chân người đi muôn ngả, theo cánh bay của Việt Nam Airlines tới các bạn bè năm châu, làm cho mọi người thật khó quên về chè Kim Lũ, như câu ca tinh nghịch, theo tương truyền, một cô gái đã tặng cho người yêu:
Anh về Kim Lũ quê em.
Ăn chè cẩn thận, không răng … theo chè!