Cơn mưa lớn vừa dứt trên sông, chợ nổi Cái Răng lại tiếp tục nhịp sống đặc trưng của mình, những chiếc xuồng nhỏ cập sát mạn tàu chở khách du lịch chào mời trái cây đủ loại. Chợ Cái Răng đã rất nổi tiếng với du khách đến Cần Thơ.
Từ bến Ninh Kiều đến chợ khoảng 30 phút đường sông. Khi nhìn thấy ghe thuyền đủ cỡ, san sát nhau, trước mũi ghe dựng một ngọn sào tre treo chiêu bài bằng sản phẩm chào bán - mỗi chiếc ghe như một tiệm tạp hoá hay sạp chợ nổi, khách mua gì chỉ cần nhìn ngọn sào là biết bán sản phẩm gì. Vẻ độc đáo ấy chỉ có ở những chợ nổi trên sông như Cái Răng, Phong Điền, Bình Thuỷ, miền Tây sông nước...
Trong phiên chợ, luôn luôn chuyển động bập bềnh ấy bỗng thấy một chiếc xuồng tam bản áp vào mạn mời chào: "Bún xào không anh chị?". Những chén, đĩa, hũ, lọ, rổ, rá để rau, ớt, hành, tiêu, nước mắm. Cái "nhà hàng nổi" ấy chỉ bán duy nhất một món bún xào chan nước mắm me. Chị chủ nhà hàng vừa xào thịt, bỏ rau, chan nước mắm như một bếp trưởng, vừa rửa chén, đũa, muỗng, đĩa sau lưng như một người phụ bếp và bưng tô bún trao cho khách ở mạn tàu như một người phục vụ bàn lành nghề. Sông nước cứ bồng bềnh, "nhà hàng ngàn sao" cũng bồng bềnh theo nhịp sóng nước, thỉnh thoảng, người phụ nữ chủ nhà hàng nổi ấy lại buông tô chén để chụp lấy mái dầm giữ thăng bằng cho chiếc xuồng chật chội của mình.
Chỉ năm ngàn đồng một tô, khách ăn ngay trên tàu, ghe của mình và khi con tàu chở du khách chuyển động rời khỏi chợ nổi, có người gọi với theo: "À này! Chị ơi! Chị tên gì thế?". "Tui tên Thảo!". Người chủ "nhà hàng bún xào" trả lời khi đang nhịp nhàng đẩy chiếc xuồng nhỏ của mình len lỏi vào những mạn thuyền khác.
Chiếc xuồng bềnh bồng trôi... "Cái nhà hàng" bềnh bồng trôi... và cả bà chủ tên Thảo cũng bềnh bồng. "A! Cô Thảo bềnh bồng"... không thể khác! Tôi chợt đặt biệt danh cho cô như thế.