Khi ăn kiêng, bạn có khuynh hướng loại bỏ hoàn toàn một nhóm thực phẩm nào đó. Bạn nghĩ rằng điều đó sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe hoặc đáp ứng được mong muốn giảm cân. Nhưng sự thật? Có thể bạn sẽ mất nhiều hơn là được.
1. Không bột, đường
Ngày càng có nhiều người cắt bỏ hẳn chất carbonhydrate (đường, tinh bột) trong khẩu phần. Trong khi bạn nghĩ rằng điều này sẽ giúp bạn giảm cân nhanh chóng thì xét về lâu dài, khả năng cao hơn là bạn sẽ đi đến chỗ thèm cacbohydrate. Kinh nghiệm cho thấy là cứ 6 tuần không dung nạp cacbohydrate, người ta sẽ trở nên bồn chồn và bắt đầu thèm chúng.
Cacbonhydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Bộ não cần chúng để duy trì hoạt động. Đó là lý do bạn thường thèm các loại bánh chứa nhiều đường và tinh bột khi ngồi học hoặc làm việc. Cacbonhydrate cũng cung cấp vitamin B và chất xơ. Thay vì nói không hoàn toàn với cacbohydrate, hãy chọn những loại thực phẩm có chỉ số glycaemic thấp (dưới 60).
2. Không thịt
Có thể bạn không thích ăn thịt nhưng đừng quên chúng chứa các vitamin và chất khoáng quan trọng. Khi không ăn thịt, bạn đã bỏ qua nguồn sắt dễ hấp thụ nhất. Thịt là nguồn cung cấp quan trọng như những chất kẽm, B12 và sắt. Nếu loại trừ thịt ra khỏi khẩu phần, bạn có thể thiếu sắt và B12.
Điều này đáng để các chị em quan tâm vì tỷ lệ mất sắt ở phụ nữ khá cao, nhất là trong kỳ kinh nguyệt. Thiếu sắt có thể dẫn tới thiếu máu.
Thịt cũng là nguồn cung cấp chất đạm, bao gồm cả các amino axit cho cơ thể. Đạm giúp xây dựng cơ thể và rất cần thiết cho sự tăng trưởng của các tế bào mới và phục hồi mô.
Nếu bạn kiêng thịt, nên bổ sung chất đạm, sắt và vitamin B12 bằng các thực phẩm như rau đậu, trứng và các loại hạt hoặc viên sắt bổ sung. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng chất sắt khó hấp thụ vào cơ thể qua những lọai thức ăn không có nguồn gốc từ thịt động vật. Chính vì vậy, bạn nên thêm vitamin C vào thực đơn ăn kiêng, nó có thể giúp hấp thụ tối đa chất sắt.
3. Không chất béo
Thực đơn của nhiều người không có chút vết tích của chất béo. Họ cho rằng chúng là nguyên nhân gây béo phì. Tuy nhiên, những bữa ăn không có chất béo chưa hẳn là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe của bạn. Thay vì bỏ hoàn toàn, nên phân biệt giữa chất béo tốt và không tốt.
v- Chất béo không tốt gồm:
Chất béo bão hòa trong thịt, các sản phẩm từ động vật, bơ, ca cao dầu dừa và dầu cọ. Các loại axit béo chuyển hóa. Đây thực sự là những "tên côn đồ" đối với sức khỏe của bạn. Chúng có ở những thực phẩm như bơ margarine, bột bánh, các loại bánh quy và nhiều món fastfood. Chúng có thể dẫn tới bệnh tim mạch.
- Chất béo tốt:
Chất béo chưa bão hòa dạng mono giúp làm giảm lượng cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim mạch. Chúng có nhiều trong dầu ô-liu, dầu lạc, quả bơ...
Chất béo chưa bão hòa dạng poly chứa các axit béo omega-3 và omega-6. Chúng làm giảm lượng cholesterol, giúp mắt sáng và bộ não khỏe mạnh. Chúng cũng góp phần giữ gìn làn da khỏe mạnh và hỗ trợ chức năng của máu và cơ bắp. Nguồn dưỡng chất này có ở cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích, cá đóng hộp, đậu nành...
Kiêng chất béo có thể dẫn đến thiếu vitamin A, D, E, và K.
4. Không bơ sữa
Không dung nạp lactose là một trong những trường hợp không dung nạp phổ biến. Nhưng cắt toàn bộ các sản phẩm bơ sữa thường dẫn tới việc hụt canxi và chứng loãng xương.
Canxi là chất rất cần thiết để giúp răng và xương chắc khỏe, bảo đảm chức năng vận động của cơ bắp, sự lưu thông máu. Nó hỗ trợ việc tiết ra hormone và điều khiển não bộ.
Ngoài canxi, các sản phẩm bơ sữa, đặc biệt là sữa bò còn cung cấp hơn 10 chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin A, B12, đạm, magiê, phốt-pho, kẽm, kali, carbohydrate, riboflabvin. Các sản phẩm bơ sữa như sữa và phô mai là nguồn cung cấp canxi tốt nhất, đáp ứng khảong 60% lượng canxi mà cơ thể cần. Các chuyên gia khuyên chúng ta nên ăn bơ, sữa 3 lần/ngày để đảm bảo lượng canxi đúng mức; 800mg.
Nếu bạn cho rằng sữa đậu nành có thể thay thế cho các lọai sữa tươi, sữa bột trong việc cung cấp canxi thì nên nghĩ lại. Sữa đậu nành không chứa nhiều canxi. Nếu phải kiêng sữa, bạn nên chọn những thức ăn giàu canxi như cá hộp, cá mòi, cá hồi, các loại rau xanh đậm, đậu tây...