Những ngày đầu tháng bảy, nhiệt độ Hà Nội lúc nào cũng ở mức 35 - 36 độ C, chúng tôi làm chuyến du lịch lên Sa Pa. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân lên đây là mọi người đều hồ hởi, sung sướng vì khí hậu mát mẻ và trong lành. Bốn bề rừng núi bao bọc thị xã Sa Pa.
Những đỉnh núi cao vút có mây mù phủ trắng trông thật thơ mộng. Khách du lịch khắp nơi về đây thật đông vui, tấp nập trên các ngả đường hàng và quán ăn rất nhiều. Điều đặc biệt nhất là các món ăn ở đây hầu hết là món nướng. Từ gà nướng, lợn nướng, khoai nướng, ngô nướng đến trứng gà nướng, trứng vịt lộn cũng đặt lên bếp than quạt liên tục và nhanh tay đảo cho thức ăn khỏi bị cháy. Trong chợ cũng có một vài hàng bán "thắng cố" với những chiếc chảo to bốc khói nghi ngút…
Chúng tôi may mắn đặt chân lên Sa Pa vào thứ bảy nên tối hôm đó được đi dự một phiên chợ tình. Trong cái mưa nhè nhẹ, cái se se lạnh, tiếng khèn gọi bạn nghe quyến rũ ngọt ngào. Những đôi nam nữ vừa múa ô vừa nhảy theo nhịp khèn. Các chàng trai H, Mông thổi khèn và nhảy múa không biết mệt. Tiếng cười nói xen lẫn tiếng chào mời mua hàng quện lẫn mùi thơm của các thức ăn nướng trên than làm cho buổi chợ đêm càng thêm hấp dẫn.
Sau vài giờ đi bộ dạo chơi trong chợ để mua sắm, từng lớp dừng chân vào các quán ven đường để thưởng thức các món ăn đặc sản SaPa. Cánh đàn ông, thanh niên thì gọi thịt lợn Mán nướng, gà đen nướng và rượu San Lùng. Còn phụ nữ và trẻ con thì sà vào quán trứng nướng, ngô nướng. Càng về đêm, càng lạnh. Cầm những bắp ngô, quả trứng còn đang nóng, vừa ăn, vừa thổi hơi ấm lan dần vào lòng mỗi người, tôi mới hiểu vì sao các món ăn ở đây họ chỉ nướng chứ ít luộc như ở dưới xuôi.Ngày hôm sau trời nắng đẹp chúng tôi làm cuộc hành trình leo núi tham quan Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng.
Tuy trời nắng nhưng nhiệt độ chỉ 25 - 26 độ C nên leo núi xong không ai cảm thấy mệt mỏi mà chỉ thấy khoan khoái, dễ chịu. Trên đường leo núi chúng tôi dừng chân tham quan vườn lan với mấy trăm loài hoa khác nhau được đưa về đây chăm sóc cẩn thận. Có một số loài còn được bảo tồn gen quý hiếm. Các loài phong lan, địa lan đua màu rực nở, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của du lịch Sa Pa.
Sau khi leo núi trở về dọc đường ghé vào mua đào, lê Sa Pa, ở đây có giống đào quả nhỏ, đầu hơi khoằm nên được gọi là "đào mỏ quạ" ăn rất ngọt và giòn. Giống lê xanh Sa Pa quả nhỏ như mắc coọc ở Lạng Sơn ăn cũng rất ngọt và mát. Sau chuyến du lịch trở về, du khách đều mang cho người thân những món quà đặc sản ở Sa Pa như đào, lê, mận và đôi khi cả những giò phong lan đẹp đẽ.
Rời Sa Pa trong một buổi chiều cũng hơi lạnh, thấp thoáng bóng những cô gái áo chàm lưng đeo gùi đang rảo bước về bản xa, trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga khắp mọi nẻo đường. Với tôi, đây là một chuyến đi đầy thú vị, giúp tôi hiểu thêm được vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước ta và những món ăn ngon độc đáo khó mà quên được.