Vào những ngày tháng 9 âm lịch, khi khí trời mát mẻ, bầu trời Tây Nguyên thường có nhiều sương hay mưa bụi và bông lúa ngoài ruộng, ngoài nương rẫy bắt đầu đỏ đuôi, thì 9 dân tộc anh em ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lăk lại tưng bừng tổ chức lễ hội cốm hay còn gọi là Tết con gái để tôn vinh, ca ngợi các sản phẩm của cây lúa nước và những người phụ nữ làm ra các sản phẩm ấy.
Xã Ea Tam có hơn 10.000 nhân khẩu của 9 dân tộc, gồm các dân tộc bản địa như Ê Đê, Banar và các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao từ miền Bắc di cư vào. Bởi vậy lễ hội cốm là lễ hội chung của xã, dân tộc nào cũng tham gia để thắt chặt tình đoàn kết anh em. Tiến hành lễ hội cốm, chị em phụ nữ cùng nhau ra ruộng, chọn cắt những bông lúa nếp cái hoa vàng vừa đến độ chín, đầu bông có các hạt mới hoe vàng, gọi là lúa đỏ đuôi, cắt thân lúa dài độ 2 gang tay. Lúa tuốt ra, ngâm vào nước lạnh vớt đi những hạt lép để những hạt lúa còn lại căng tròn, mọng mẩy như các cô gái tuổi 15-16, tuổi trăng tròn. Lúa được đem luộc chín, vớt ra quạt cho ráo nước, hong khô rồi đem rang.Phải là những chị em khéo tay và có kinh nghiệm mới được luộc, rang thóc để thóc vừa chín tới đủ độ dẻo, không sống khi giã cốm bị nát mà chín quá thì vỏ trấu dính vào cốm. Rang xong để nguội rồi đem giã, sàng sẩy. Cốm ngon là hạt cốm có màu xanh, dẻo, dẹp và thơm.
Quá trình làm cốm, người ta chấm điểm thi cho từng công đoạn như đội có đông người tham gia giã cốm (từ 8 đến 16 người cùng giã mà không va vấp nhau, ra vào nhuần nhuyễn và âm thanh nhịp chày nghe rộn ràng như tiếng nhạc), kỹ thuật giã cốm và có trang phục đẹp. Cốm giã xong cho vào mâm đội lên dâng cúng tổ tiên, ông bà .
Người được đội mâm cốm phải ăn mặc đẹp, nói năng dịu dàng, đi đứng khoan thai nền nã. Khi cúng, có các câu hát then, hát lượn cất lên tha thiết cùng tiếng đàn krông pút, đàn trưng của núi rừng Tây Nguyên, làm cho bản làng thêm rộn rã.Hương em như thể cốm hươngCách xa đến chín ngày đường vẫn thơm...Những người phụ nữ khéo tay còn làm ra nhiều loại cốm khác nhau, như cốm gừng, cốm chuối, cốm đậu xanh, cốm lam, cốm rang đường, cốm ép và cốm bánh tét nhân đường. Những cô gái tuổi trăng tròn vào dịp hội cốm ấy tha hồ được các mế, các amí truyền dạy cho cách làm cốm để lớn lên làm chủ ruộng rẫy, núi rừng. Hội cốm thật là một nét đẹp văn hóa của đồng bào ở Ea Tam.