Dân gian quan niệm rằng ăn tỏi sẽ giúp giảm cholesterol trong máu nhưng các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật tại Mỹ lại cho kết quả ngược lại.
Tỏi đã được sử dụng từ cách đây hàng ngàn năm trong việc điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch - tài liệu Ai Cập cổ xưa nhất đề cập đến việc dùng tỏi trong điều trị bệnh tật là từ cách đây 3.500 năm.
Allicin, một hợp chất có trong tỏi được biết tới là có khả năng ngăn ngừa sự hình thành cholesterol trong các nghiên cứu ở 90 loài động vật và đến đầu những năm 90 được chứng minh là có tác dụng tương tự trên người. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chỉ mới dừng ở mức khai phá, thiếu các bằng chứng thuyết phục.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi 170 người trong độ tuổi 30 - 65 có mức cholesterol xấu cao trong vòng 6 tháng trước khi nghiên cứu bắt đầu. Họ được chia thành 4 nhóm và ăn một lượng tỏi từ không đến nhiều theo định lượng của các nhà khoa học trong vòng 6 tháng. Mỗi tháng, họ sẽ được kiểm tra mức cholesterol trong máu 1 lần.
Kết quả cho thấy không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mức cholesterol xấu trong máu giảm ở những người ăn tỏi so với những người không ăn tỏi, giữa những người ăn tỏi sống và tỏi chín.
Các chuyên gia khẳng định chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn nhiều rau quả, ít chất béo, đặc biệt là chất béo chuyển hóa) kết hợp với luyện tập là cách tốt nhất phòng ngừa bệnh tật, giảm mức cholesterol xấu trong máu. Tất nhiên, ăn tỏi là một phần của chế độ dinh dưỡng hợp lý bởi nó giúp món ăn thêm ngon miệng ngay cả khi món ăn không cho muối.