Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Đặc sản quê tôi

Về Hội An ăn bánh tráng đập

Đăng lúc 13:12 ngày 02/06/2007
Photo
Phố cổ Hội An có nhiều món ăn Âu, Á, cao lương mỹ vị… nhưng du khách đến Hội An mà chưa ăn món bánh tráng đập thì xem ra vẫn còn thiếu sót. Người dân miền Trung, nhất là vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, có sở thích và thói quen ăn bánh tráng đập, nhất là trong ngày Tết, để thay đổi các món có nhiều chất béo và mau ớn (ngán) như các loại thịt, cá...
 


Bánh tráng đập gồm 2 lớp, lớp bánh tráng nướng tương đối mỏng, đường kính khoảng 20cm, được nướng có màu hơi vàng. Khi ăn, người bán trải trên bánh một lớp bánh tráng mỏng mềm và dẻo, có độ lớn tương đương và dùng cạnh bàn tay để “đập” xấp bánh này làm đôi, hoặc dùng tay xén nhẹ để bánh bể ra. Phần bánh tráng nướng vì dòn nên bị vỡ, phần bánh tráng mỏng kèm theo, có dộ dẻo, mềm và dính nên giữ bánh tráng nướng lại, không bị rơi ra ngoài. Bánh tráng mỏng phải trắng và dẻo, được đúc từ gạo quê dẻo thơm. Có nơi người ta thoa lên bề mặt của bánh ướt một ít dầu phụng (thứ thiệt) đã phi hành, tỏi rất thơm và bắt mắt. Hai loại bánh khô và ướt này sắp chồng lên nhau. Ở các vùng nông thôn như Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang người dân quê thích ăn loại bánh tráng đập to và dày hơn (trên 30cm), có người còn mang ra ruộng để ăn nửa buổi. Bánh tráng đập chấm với mắm nêm hoặc mắm cái mới ngon, nhất là gia thêm chanh, mì chính, ớt bột... Bẻ miếng bánh khoảng 2 ngón tay, chấm mắm đưa vào miệng, nhai vừa dòn, vừa dẻo, vừa thơm. Xa quê, ở nơi phố thị, nghe âm hưởng hương vị bánh tráng đập, ai cũng nhớ quê đến nao lòng và muốn ăn một vài cái để thỏa, để vơi nỗi nhớ quê hương.

Bánh tráng đập chỉ có ở những quán xập xệ ven đường làng, ngõ xóm, hoặc được các bà mẹ quê, quảy (gánh) đôi thúng nhỏ đi bán dạo trên các nẻo đường phố cổ. Khách ăn cũng không cần ngồi ghế, bàn sang trọng, chỉ cần một chỗ ngồi mát mẻ, sạch sẽ bên vệ đường, một tay vừa nắm bánh, vừa bưng chén mắm, tay kia vừa bẻ bánh, vừa chấm và đưa lên miệng ăn ngon lành. Món ăn tuy dân dã, rẻ tiền nhưng được nhiều người ưa chuộng. Ăn xong một vài cái bánh, khi miệng còn cay cay, uống một bát nước chè xanh bốc khói thì quá đã.

Bà Trần Thị Nhả 75 tuổi ở thôn 5 Cẩm Phô, thị xã Hội An, có “thâm niên” 55 năm bán bánh tráng đập cho biết: Hằng ngày bà xay bột gạo và tráng bánh từ 5h đến 11h, sau đó nướng bánh tráng và chế biến nước chấm từ mắm nêm, đến 14h bà gánh bánh đi bán dạo quanh phố cổ, giá mỗi cái bánh tráng đập (2 lớp) là 800 đồng (kèm nước chấm). Tổng số vốn mỗi gánh bánh tráng đập khoảng 150.000 đồng, bán xong vào lúc 17 – 18h cùng ngày, tiền lời khoảng 30.000 đồng. Ngoài ra, bà còn tráng bánh giùm cho con dâu và lo cơm nước trong gia đình.


Qua Tang Online