Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Nghệ thuật sống

Ý tứ

Đăng lúc 12:48 ngày 26/07/2013

Về quê vợ ăn giỗ, Hiếu xách theo cả máy tính để tranh thủ làm việc. Họ hàng tụ tập, mỗi người một tay phụ làm món ăn, dọn bàn, riêng Hiếu vẫn cắm đầu vào máy tính. Lan (vợ Hiếu) bận bếp núc cũng chẳng để ý. Thế nhưng, chỗ Hiếu ngồi là bộ ngựa ngay lối ra vào bếp, khiến hầu hết người trong nhà và cả hàng xóm đến phụ đám giỗ đều thấy một “ông người thành phố” ngồi đồng, chẳng đụng tay đụng chân, cũng chẳng buồn ngẩng lên chào những bậc trưởng thượng. Ai nấy ráng... chậc lưỡi cho qua, nhưng mẹ vợ của Hiếu bực mình phải lên tiếng.


 
Bà hậm hực với con gái: “Chồng bây kiếm một tháng được mấy chục triệu? Bộ kiếm được nhiều tiền lắm hay sao mà lúc nào cũng nói là làm việc? Hễ về cái nhà này là khư khư ôm cái máy tính. Với cái kiểu đó, lần sau khỏi về luôn đi, nhìn xốn con mắt lắm”. Lan “vuốt”: “Ảnh làm chẳng được bao nhiêu tiền nhưng vất vả lắm má à. Má đừng trách ảnh, tội nghiệp”. “Tội nghiệp cái gì? Tội nghiệp cho cái thân già của má mày trước nè. Bà con họ hàng ai cũng nhiệt tình phụ việc này việc kia, thằng rể không giúp được gì thì cũng phải biết ý tứ, kiếm chỗ nào khuất khuất mà ngồi. Ngồi chình ình giữa đường đi mà cứ như tượng vậy, coi sao được?”.
 
Nghe má nói, Lan cũng bực, nhưng không muốn gây khi nhà có khách. Cô “để dành” về lại Sài Gòn mới nã chồng một trận ra trò. “Anh coi lại mình đi, công việc của anh quan trọng đến mức lúc nào cũng phải kè kè cái máy tính vậy sao? Anh thử một ngày không có máy tính coi có bị đuổi việc không? Em thật xấu hổ vì anh”. “Em làm gì mà quá lên vậy? Anh vừa xử lý được công việc, vừa đi ăn giỗ nhà vợ, em còn đòi gì nữa?” - Hiếu ngạc nhiên. Lan phân tích: “Cái chính là anh thiếu tế nhị. Anh phải hiểu, người ở quê họ kỳ vọng hình ảnh một người con rể, cháu rể như thế nào chứ? Ít ra thì anh cũng phải niềm nở chào hỏi, lăng xăng phụ cái này, giúp cái kia. Anh không giúp gia đình vợ nở mày nở mặt được, thì cũng đừng làm xấu mặt gia đình em chứ”. Hiếu vẫn không đồng tình với quan điểm của vợ, khăng khăng: “Em và cả mẹ em nữa, cứ chuyện bé xé ra to. Con rể cũng là con, sao không để cho con cái tự nhiên mà cứ xét nét như vậy, ai mà chịu được?”.
 
Cuộc tranh cãi không có hồi kết, hai vợ chồng lại giận nhau. Cũng vì ai cũng thấy mình có lý nên “thi gan”, chẳng ai chịu làm lành trước. Riêng Hiếu, những dịp nhà vợ có việc quan trọng, anh lại lấy cớ bận công việc, không chịu về. Biết chuyện, “nhạc mẫu đại nhân” của anh càng giận hơn, không thèm lên nhà con gái ở Sài Gòn chơi.
 
 

 

Hiếu ngại về nhà vợ ở Bến Tre, nhưng lại cứ ép Lan về nhà chồng ở Bình Phước để thăm hỏi mẹ chồng. Cuối tuần, Lan có thói quen ngủ trễ, và do đi ôtô đường dài từ tối hôm trước nên mệt, càng ngủ trễ hơn. Sáng bảnh mắt, khi Hiếu đã ngồi uống cà phê, vợ vẫn ủ ê trong buồng. Mẹ Hiếu đã ngoài 70 tuổi, nhưng phải dậy sớm, lọ mọ nấu nướng để “hầu” con cháu. Hơn 8g sáng, Lan vẫn chưa dậy. Mẹ chồng vào tận buồng: “Con ơi, dậy ăn sáng này, mẹ dọn ra rồi, không thì nguội mất”. Hiếu thấy cảnh đó, “lên ruột”, bảo mẹ: “Mẹ cứ mặc kệ, không ăn thì nhịn một bữa cũng không chết”.
 
Hôm sau, trên đường về thành phố, Hiếu gợi chuyện: “Em vô ý vô tứ quá, con dâu kiểu gì mà để mẹ chồng nấu nướng, dọn ra bàn rồi mà gọi còn không thèm dậy ăn”. Lan tự ái: “Mẹ kêu ca với anh à? Mẹ chồng khó tính vậy, con dâu làm sao sống nổi”. “Không, mẹ anh rất hiền, chẳng nói lời nào, nhưng anh thấy chướng”. “Thôi anh à, dâu cũng là con, về nhà chồng, để cho em thoải mái một chút, lần sau em còn muốn về nữa chứ”. “Nhưng cái gì cũng có mức độ, em phải coi lại cách cư xử của mình. Em phải biết, dù ít dù nhiều, con dâu về nhà chồng cũng phải thể hiện sự đảm đang, có như vậy mới được nhà chồng quý chứ”. Cãi qua cãi lại, cuối cùng, Lan “cùn”: “Thôi, lần sau em không về nữa cho khỏe! Mà anh cũng tốt lành gì, về quê vợ cứ ôm kè kè cái máy tính. Trước khi bảo người khác ý tứ, mình hãy làm đi đã!”. Hiếu hơi khựng, tếu táo tìm cách làm dịu tình hình: “Ừ nhỉ, đúng là “nồi nào úp vung đó”, vợ chồng mình như nhau”.
 
Nói vui vậy thôi, chứ Hiếu cũng chợt nhận ra lỗi của mình từ lỗi ở vợ. Anh cầu hòa với Lan: “Cuối tuần sau vợ chồng mình chở tụi nhỏ về thăm bà ngoại nhé?”.
 
Sưu tầm

 




Qua Tang Online