Những chợ heo rừng đã bắt đầu xuất hiện trong ngày đầu năm mới. Quan niệm ăn thịt heo rừng để lấy may mắn đã khiến cho cái chợ đặc biệt này càng thêm đông đúc. Và động vật hoang dã tiếp tục bị săn bắn ráo riết.
Một con đường ở chợ trung tâm thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Chỉ trong vòng chưa đầy mười mét có đến 5 người bán thịt heo rừng. Chỉ nhìn qua, không cần lời giới thiệu của chủ hàng, người ta đã biết đây là thịt heo rừng. Rạng sáng, thịt heo rừng đã xuống phố và lúc này, những điểm bán heo rừng rải rác khắp chợ.
Chỗ thịt này, theo lời của những người bán là không dễ để có được. Họ phải săn lùng từ những người chuyên đi bẫy thú rừng. Còn những người bẫy thú rừng thì ráo riết săn lùng trên những cánh rừng ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên mới có được thịt heo rừng đầu năm.
Heo rừng khan hiếm và càng khan hiếm hơn khi trong những ngày này, ai cũng đổ xô đi mua. Ăn thịt heo rừng đầu năm là rước may mắn về nhà, người ăn thịt heo rừng sẽ khoẻ mạnh. Ai cũng cho là thế, dù không ai kiểm chứng điều ấy là thực. Giá thịt heo rừng tại các chợ ở Phú Yên tăng vọt lên đến 200.000 đồng/kg nhưng ai cũng chen chân mua.
May mắn đầu năm, ước muốn không dành của riêng ai. Có lẽ vì thế, nếu như ngày bình thường, kiểm soát động vật hoang dã trên rừng thường rất lỏng lẻo thì trong ngày Tết lại càng lỏng lẻo hơn. Những chợ thú rừng công khai càng phổ biến hơn.
Một người dân nhiều năm bán thịt thú rừng cho biết, không chỉ heo rừng, tâm lý nhiều thực khách thường chọn thịt thú rừng đầu năm, thậm chí sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn để được ăn thịt thú rừng. Cầu có thì cung cũng phải có. Một điểm chợ như thế này có đến vài con heo rừng bán ra.
Chỉ trong nửa buổi chợ, nhiều quầy bán heo rừng đã hết nhẵn. Không ai biết, heo rừng về nhà, các gia đình có được may mắn hay không. Chỉ biết với những con thú rừng, ngày Tết quả là những ngày mà mối nguy hiểm luôn rình rập.