Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Cu Đơ mơ xuất ngoại

Đăng lúc 14:52 ngày 03/03/2007
Photo
Ai đã từng đi qua Nghệ An bằng bất kể phương tiện gì khi qua nhà ga, quán hàng... thế nào cũng được mời mua kẹo Cu Đơ về làm quà.
 


Nhưng thực ra, để mua được kẹo Cu Đơ ngon, đúng chất lượng “Chè Xanh thêm chút gừng cay... Cu Đơ xứ Nghệ làm say lòng người”, thì quả thật không phải lúc nào cũng dễ.

Chung quanh cái tên gọi Cu Đơ mà đã có rất nhiều chuyện kể. Nào là: ngày xưa ở một làng của huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh, có cặp vợ chồng nghèo sinh được hai cậu con trai khôi ngô, tuấn tú. Họ làm quần quật nhưng vẫn không đủ ăn. Đến tuổi trưởng thành, cậu con cả xin bố mẹ cho cưới vợ. Hai vợ chồng lo lắng không biết lấy gì đãi bà con, chòm xóm.

Trong lúc rối bời thì ông bố đành liều dùng mật mía, lạc đều là của nhà làm ra đem nấu với nhau mà thành món kẹo mời khách. May mắn là ai ăn cũng thấy ngon. Từ đó ông nấu mang đi bán khắp các chợ lân cận. Nhờ đó kinh tế gia đình cũng khấm khá lên.

Chuyện cổ tích về thương hiệu “Cu Đơ”

Theo bà Nghi (là mẹ của nhạc sỹ Mai Cường, Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An) và con rể của bà là những người nấu kẹo Cu Đơ lâu năm ngon nổi tiếng ở Vinh - Nghệ An): trong việc làm kẹo, quan trọng nhất là khâu chọn mật.

Mật phải thật nguyên chất có màu vàng sáng óng ả, đặc vừa phải để khi nhúng đũa vào nhấc lên có thể kéo mật thành sợi dài, nhỏ có thể xỏ qua được lỗ đồng tiền xu. Vị ngọt của mật đậm nhưng không gắt; không có vị chua, mặn, khi ngửi cảm nhận mùi mật thơm dìu dịu. Đồ đựng mật phải là loại chum sành da lươn trơn bóng để giữ mật lâu mà không biến chất. ở Nghệ An, mật ưu tiên chọn số 1 thuộc huyện Nghĩa Đàn, vùng đất đồi ba zan.

Thứ hai, chọn lạc củ phơi khô, bóc vỏ, chọn những hạt chắc đều nhau không ẩm, sâu, thối. Nếu chọn được lạc Cúc (giống lạc thường trồng ở xứ Nghệ, hạt nhỏ, tròn đều nhau có hàm lượng dầu lớn) thì rất tốt.

Hạt lạc phải đảm bảo khi tróc vỏ lụa có màu trắng ngà, không bị vỡ đôi, khi cắn thử hạt lạc cũng đã giòn thơm vị bùi, béo ngậy đầu lưỡi. Giống lạc trồng ở Diễn Châu, Nghi Lộc thường được ưu tiên hơn cả.

Thứ ba, chọn bánh đa (bánh tráng). Bánh làm từ bột gạo ngon xay nhuyễn bằng cối đá, mà phải xay thủ công mới giữ được tinh chất của gạo. Kỹ thuật tráng bánh yêu cầu mỏng đều vừa, rắc vừng trắng hạt mẩy lên khắp mặt bánh. Khó nhất là lúc nướng bánh, làm sao để bánh không bị cháy, vỡ hay phồng rộp lên mà lại chín đều, giòn tan. Bánh đa thường chọn ở vùng Đô Lương, Yên Thành hay của thị xã Hà Tĩnh.

Đó là các nguyên liệu chính, ngoài ra còn có thêm gừng tươi. Gừng cũng được chọn kỹ lưỡng như khi làm mứt gừng. Có đủ nguyên vật liệu rồi nhưng để nấu thành kẹo ngon cũng chẳng phải dễ tí nào.

Nhìn qua công nghệ nấu kẹo cũng thấy dễ học lắm nhưng với nguyên liệu như nhau, mỗi nhà hàng lại làm ra những cái kẹo chẳng giống nhau tẹo nào. Ngay cả một nhà nhưng người này nấu cũng đã cho thành phẩm khác người kia. Nhà hàng nào nấu mà cho các mẻ kẹo có phẩm chất ổn định đều nhau thì quả là đáng kính nể.

Găp những người sản xuất kẹo Cu Đơ

Ở Vinh hay Hà Tĩnh, có rất nhiều điểm nấu kẹo Cu Đơ, nhưng nổi tiếng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Cu Đơ bà Nghi và con ở Vinh, Cu Đơ bà Sáng ở Cầu Phủ Hà Tĩnh...

Cũng theo bà Nghi, quy trình nấu kẹo là cho mật vào nồi nhôm dày đun sôi đều, nhỏ lửa rồi cho một ít gừng thái nhỏ, lạc sống vào đun, dùng đũa tre to khuấy thật đều tay theo chiều kim đồng hồ. Khi mùi thơm của mật và lạc chín quyện vào nhau thì lấy đũa nhỏ nhúng vào mật kéo ra cho vào bát nước lã, nếu thấy giọt mật tròn, không tan vào nước thì có thể đổ ra để cho vào bánh đa.


Qua Tang Online