Đồ ngự thiện: tức đồ của vua dùng trong bữa ăn. Vua ăn cơm thường ngồi một mình, không ai được ngồi ăn cùng vua. Bữa ăn thường gồm có 30 món, ăn với gạo de An Cựu nấu trong om đất sản xuất ở làng Phước Tích và do đội Thượng Thiện gồm toàn những người ở làng Phước Yên (thủ phủ các vua Nguyễn thời xưa) nấu. Chén bát vua dùng được đặt làm bên Trung Quốc, có màu men lam đặc biệt gọi là "đồ sư men lam" (Bleu de Hue). Đồ ăn (phẩm vị) được đặt trong quả hộp bằng gỗ sơn son thép vàng, có lọng che, được đem từ nhà bếp Thượng Thiện đường lên phòng ăn ở điện Kiến Trung. Đũa vua dùng được vót từ cây Kim giao mọc nhiều ở Bạch Mã, và chỉ dùng một lần mà thôi. Gỗ Kim Giao có thể phát hiện được thức ăn có độc (đổi ra màu tím). Khi vua ăn có một Thị vệ xới cơm pha nước cho vua (chầu thiện) và 2 đường quan để nói chuyện với vua cho vui.
Kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa: những thứ kẹo đặc biệt ở Huế, con nít thường thích ăn (Mạ đi chợ về mua cho các con một gói kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa chia nhau). Kẹo cau trông như miếng cau chẻ sáu, kẹo gừng là cục kẹo có trộn gừng và kẹo búa là cục kẹo có hình cái búa.
Kẹo đậu phụng: thứ kẹo đặc biệt ở Huế, với mạch nha đen đổ trên bánh tráng tròn, ở giữa có đậu phụng rang còn nguyên vỏ mỏng màu đỏ gạch; thường được cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác (như kiểu pizza bây giờ). Ăn kẹo đậu phụng uống với nước chè Huế, rất đậm đà.
Lọm chuối: cốt lõi thân chuối. Thân chuối sau khi cắt bỏ phần ngoài để xắt cho heo ăn, cốt lõi của thân chuối được xắt ra lát mỏng ra rồi đem ướp muối để làm dưa, gọi là dưa chuối, thường để dành khi ăn trời bão lụt. Dưa chuối trộn với dưa kiệu, chấm với ruốc hoặc với nước tôm kho đánh ăn lúc trời lụt rất ngon. Dưa chuối còn có thể kho với các thứ cá cất được khi trời lụt. Hồi xưa ở thôn quê Huế có món "lom" tức thịt heo ninh với lọm chuối, ăn cho dã rượu. Người Mường cũng có món ăn tương tự này như của dân Huế họ gọi là "loóng". (Theo Từ Chi).
Môn: một loại cây thích nước, thường trồng bên cạnh ảng nước, có lá lớn rộng và cuống lá rất lớn tức "chột nưa": dùng để nấu canh ăn sau khi bóc vỏ. Củ cũng được đào lên để nấu chè hay nấu cháo. Đôi khi ăn hay ngứa. Có nhiều loại môn: môn sáp, môn ngọt...Các món "môn khoai sắn" là những món "độn bụng" của dân Huế trong mùa đói kém. (Canh chột môn chột nưa là đặc biệt của xứ Huế).
Môn nưa: là những thức ăn thường của dân quê, hay gây ngứa ngứa trong miện (Ngon lành cũng thể môn nưa, khéo lọc khéo lừa cũng có lăn tăn- Ca dao Huế).