Mang dáng dấp vừa hiện đại, vừa dân dã, Quán cà phê Cát Đằng đã và đang là góc thư giản lý tưởng cho những người trẻ ở Sài Gòn sau những bề bộn công việc. Thú uống café ở người Sài Gòn lâu nay không dừng lại ở chỗ nghe nhạc, trò chuyện tác ngẫu với bạn bè mà đã vượt xa hơn đến nhu cầu nhìn ngắm, cảm nhận không gian …
Và Cát Đằng, hình như ngay từ khi mới hình thành ý tưởng đã nhắm đến những nhu cầu thực tế ấy của ngườI Sài Gòn.
Góc dân dã nhất được thiết kế trên tầng 2 với những mảng vườn trát đất sét, mái nhà cách điệu bằng rơm rạ, với những kèo cột bằng tre nứa… mô phỏng nét đặc thù của làng quê ở vùng đồng bằng bắc Bộ. Những bộ bàn ghế gỗ dành cho khách ngồi trong tư thế xếp bằng, vừa thưởng thức các món ăn, thức uống bình dị như chè xanh, khoai lang nướng, bắp luộc, bánh đậu xanh… Trên mỗi bàn cũng được bày sẵn ống điếu, thuốc lào và bàn cờ tướng. Nước từ dòng thác nhân tạo ở tầng 3 đổ xuống nhẹ nhàng, phả hơi mát dịu.
Bước ra khỏi không gian bình dị ấy, xuống tầng 1 là khung cảnh hoàn toàn trái ngược bởi lối thiết kế hiên đại, đa màu sắc. Một trong những điều thú vị ở nơi này là dù ngồi ở vị trí nào, ta cũng có thể nhìn thấy tâm điểm của Cát Đằng - một hồ nước lộ thiên rộng mênh mông và xanh ngắt màu của nước, của những dề lục bình, hoa súng, cỏ dại. Giữa hồ là chiếc thuyền nhỏ khi thì chất đầy trái cây 4 mùa, khi là những chiếc nơm bắt cá, mái chèo, cần câu…
Ý tưởng tạo cho Cát Đằng trở thành một nơi thư giản giải trí lành mạnh của chủ nhân gần như được thể hiện rõ bằng bộ sưu tập máy ảnh cổ của nhà nhiếp ảnh Huỳnh Ngọc Dân. Gần 100 chiếc máy ảnh có xuất xứ đặc biệt, kiểu dáng khác nhau được đặt trong tủ kính lớn ngay lối ra vào. Người yêu thích nhiếp ảnh hay thích tìm hiểu về máy ảnh ngoài việc ngắm còn có thể hẹn gặp tác giả bộ sưu tập này tại Cát Đằng để trao đổi, làm quen.
Trên vách tường ở các tầng là những tác phẩm nghệ thuật của một số nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như Đào Hoa Nữ, Hoàng Quốc Tuấn… Cũng từ những nét độc đáo từ bộ sưu tập máy ảnh và những bức ảnh đẹp mà Cát Đằng đã thu hút được bộ phận giới trẻ yêu thích nghệ thuật tìm đến.
Trò chuyện với chủ nhân của Cát Đằng, anh Trần Quang Tiến, được anh cho biết, từ lâu đã rất tâm đắc với mô hình cà phê kết hợp với văn hoá nghệ thuật. Bước đầu tiên tổ chức triển lãm máy ảnh là một sự khẳng định Cát Đằng về lâu dài sẽ mở rộng thêm nhiều hình thức mang tính văn hoá khác, phong phú hơn cho giới trẻ như triển lãm tiền cổ, tranh tượng, đồ gốm sứ, chợ thư pháp… Từ ý tưởng này, Cát Đằng cũng mong muốn sẽ là sân chơi thu hút những nghệ nhân, nghệ sĩ trong các lĩnh vực đến triễn lãm, trưng bày những sáng tạo của mình, còn khách đến nơi này vừa mở mang kiến thức, thư giản vừa mở mang kiến thức về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật làm giàu thêm cảm xúc, tư duy và trí tuệ của mình.