Bún lá cá dầm và nem là 2 món ăn được làm từ 2 nguyên liệu khác nhau - một món chế biến từ cá, một món được làm từ thịt. Tuy khác nhau nhưng 2 món ăn trên là 2 món ăn nổi tiếng không thể không nhắc đến khi nói về ẩm thực ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Chúng tôi về thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang - nơi nổi tiếng với món bún lá cá dầm. Quán bán bún lá cá dầm nằm ở đầu thôn bé tẹo nhưng khách đông nườm nượp. Khách địa phương, khách vãng lai đều có. Khác với nơi khác, bún ở đây được làm từng khoanh tròn, to bằng lòng bàn tay, mỗi khoanh được đặt trên miếng lá chuối (nên gọi là bún lá) ăn vào vừa dai vừa ngọt, nước lèo thì vừa trong vừa ngọt đậm vị cá. Đi kèm với món bún là rau thái nhỏ trộn bắp chuối bào, thêm vài lát ớt xanh.
Quả là không uổng công chạy xe hơn 30 cây số để được thưởng thức món ăn dân dã nổi tiếng này - món ăn có vị ngọt của cá, vị chát của chuối, vị cay nồng của ớt với giá chỉ 2.000 đến 3.000 đồng/tô.
Rời thôn Thạnh Mỹ, chúng tôi ghé vào thị trấn Ninh Hòa. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chùm nem chua treo lủng lẳng trước các quán nước dọc 2 bên đường. Chị Hoa - chủ một quán nem ở chợ Ninh Hòa cho biết, để làm được miếng nem chua nhỏ như thế, người làm phải mất rất nhiều công sức. Được biết, nem Ninh Hòa làm từ nguyên liệu chính là thịt heo, nhưng phải là thịt nạc đùi và thịt lưng. Thịt chọn xong phải lấy hết mỡ, sau đó thái ngang, giã nhuyễn. Giã thịt làm nem là cả một nghệ thuật, công việc này phải làm bằng tay, không thể thay thế bằng máy xay thịt. Khi giã không được ngừng tay, giã đến một thời gian nhất định thì vừa giã vừa nêm gia vị (muối, đường) cho vừa ăn. Đồng thời phải biết điều chỉnh độ giã nhẹ, mạnh khác nhau, vào những thời điểm thích hợp để làm cho thịt vừa nhuyễn vừa dai. Khi đạt yêu cầu, cho thêm một ít tiêu hạt vào, sau đó lấy ra đựng trong thau có lót lá chuối mốc. Da heo luộc vừa chín tới để ráo nước, nạo sạch mỡ, lạng mỏng thành nhiều lớp, xắt thành những sợi nhỏ như sợi miến đem trộn chung với thịt đã giã nhuyễn. Sau đó ngắt mỗi khúc to khoảng 2 ngón tay gói bên ngoài một lớp lá chùm ruột, kế tiếp là lớp lá chuối ủ từ 2 đến 3 ngày là ăn được. Tuy nhiên, thời gian ăn nem ngon nhất là 3 ngày sau khi gói. Khi ăn món này phải ăn kèm với tỏi tươi.
Ngoài ra, từ nguyên liệu trên, người ta có chế biến thêm loại nem nướng và nem chiên mỡ. 2 loại nem này có trộn thêm mỡ thái hạt lựu. Đối với nem nướng, cứ vo tròn mỗi mẩu thịt bằng đầu ngón tay cái rồi xiên hoặc kẹp đặt nướng trên than hồng. Ngoài cách thức trên, người ta có thể gói thịt trong lá chuối rồi nướng, món này gọi là nem lùi, nem này ăn cũng ngon không kém nem nướng trần trên lò than. Nem chiên mỡ cách làm cũng giống như nem nướng, nhưng bên ngoài phải tráng một lớp mỡ ướt đều. Đợi chảo nóng, cho mỡ vào, khử mùi bằng tỏi đến khi mỡ sôi sùng sục, cho miếng nem vào, chờ chín rồi trở một lượt, gắp ra. Các loại nem này phải ăn kèm với rau thơm, khế chua, hẹ sống, cuốn bánh tráng, chấm với nước chấm hỗn hợp gồm tương, thịt nạc băm, đường, muối, tỏi, ớt và một số gia vị.