Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Khác

Hãy trả lại Tết Trung thu cho thiếu nhi

Đăng lúc 09:26 ngày 06/09/2013

Theo cổ tục, Tết Trung thu để con cháu hiểu được sự quý mến của ông bà, cha mẹ đối với mình. Cũng nhân trung thu, người ta mua bánh trái, hoa quả, rượu chè cúng tổ tiên để tỏ lòng tôn kính...; nhưng dường như nét đẹp đó đang dần bị mai một.


 
Theo cổ tục, Tết Trung thu để con cháu hiểu được sự quý mến của ông bà, cha mẹ đối với mình. Cũng nhân trung thu, người ta mua bánh trái, hoa quả, rượu chè cúng tổ tiên để tỏ lòng tôn kính...; nhưng dường như nét đẹp đó đang dần bị mai một.
 
Không gian cộng đồng

Trung thu còn là dịp người ta ngắm trăng  để tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu ánh trăng màu vàng thì năm ấy sẽ được mùa tằm tơ. Màu trăng xanh hay lục là dấu hiệu của thiên tai; trăng màu vàng cam, trong trẻo thì mùa màng tươi tốt, đất nước thịnh trị...

Trẻ em đón trung thu còn có đèn lồng, đèn ông sao, đèn xếp, đèn cù, đèn con giống, được thắp sáng bằng những ngọn nến bên trong. Trò chơi này khiến các em thích thú nhất, rước  đi tung tăng trong các ngõ xóm, hò reo, thách đố nhau xem đèn đứa nào sáng hơn. 

Cỗ trung thu được bày trên mâm đặt ở ngoài trời, nơi thuận tiện nhất để ngắm trăng. Trẻ em quây quần xung quanh hát múa, kể chuyện cổ tích, ngắm cây đa, chú Cuội và ước mơ một ngày nào đó được bay lên với chị Hằng... Khi trăng lên đỉnh đầu là giây phút “phá cỗ” trung thu, chính vì vậy Tết Trung thu còn được gọi là Tết trông trăng. Cỗ phá rồi, các em thỏa thích ăn bánh kẹo, vui chơi cho đến khi trăng ngả về phía bên trời...

Những điều viết ở trên là phong cảnh trung thu thanh bình của làng quê Việt Nam đã có hàng ngàn năm dưới ánh trăng vằng vặc... Vậy mà giờ đây những nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh ấy đang mất đi bởi nông thôn dần được đô thị hóa, ánh sáng đèn đường át cả ánh trăng.
 


Trung thu bây giờ là của... người lớn!

Bây giờ mỗi dịp Tết Trung thu, ở nông thôn nhà nào còn nhớ thì mua cho con nải chuối, quả bưởi, vài cái bánh ngọt, nhân dịp thắp hương tổ tiên một thể. Ở thành phố, tổ dân phố thông báo cho các gia đình có các em nhỏ đến tập trung ở một địa điểm không nhất thiết phải đúng vào ngày rằm để đón trung thu. Ở đó bày sẵn bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả...

Khi các cháu đã đến đông đủ, ông tổ trưởng dân phố lên đọc một bài “đítcua” chúc mừng các cháu nhân dịp trung thu cổ truyền: Mạnh khỏe, học hành giỏi giang, tiến bộ... Sau đó là tiết mục liên hoan bánh kẹo rồi... giải tán, bất chấp bầu trời đêm đó có trăng hay không. Một cuộc giao lưu của tuổi thơ như vậy không khác gì cuộc mừng sinh nhật của các cụ trong hội người cao tuổi...

Đáng buồn hơn là ngày nay Tết Trung thu đã biến thành tết của người lớn. Đã thành lệ, hằng năm còn gần 2 tháng mới đến trung thu, nhưng khắp các phố phường, cửa hàng, cửa hiệu của thủ đô và các thành phố đã bày la liệt đủ các loại bánh kẹo trung thu. Cũng khác xưa khi nhân bánh chỉ đơn sơ có một quả trứng muối tượng trưng cho mặt trăng, giờ một hộp bánh ít tiền nhất giá cũng trên trăm ngàn, có hộp tới vài triệu đồng. 

Cữ trước Tết Trung thu độ 7 đến 10 ngày, có đến 80% người đi đường đèo 1-2 hộp bánh trên xe máy và phóng nhanh như bị “ma đuổi”. Đó là những món quà nhân viên tranh thủ đi biếu sếp, sợ đến sau người khác thì quà sẽ giảm giá trị. Sếp càng to, càng giàu thì quà càng phải đắt tiền. Bánh trung thu còn là quà để các học sinh hay phụ huynh biếu thầy, cô giáo, bệnh nhân biếu bác sĩ, bạn bè tặng nhau. Càng có nhiều mối quan hệ thì càng có nhiều hộp bánh như vậy. Nói không ngoa: Có nhiều gia đình trong dịp trung thu ăn không hết quà biếu, phải lén đổ ra bãi rác nơi xa nhà sợ “mang tiếng”.

 Như vậy, rõ ràng là Tết Trung thu không còn là của thiếu nhi nữa mà đã bị người lớn lợi dụng, biến nó thành một cơ hội để thực hiện những mục đích riêng, thiếu lành mạnh... Liệu người lớn có nghĩ rằng mỗi gia đình chỉ cần bớt đi một hộp bánh thì hàng nghìn, hàng vạn em nhỏ ở các vùng còn nghèo đói, khó khăn sẽ có Tết Trung thu, hoặc có thêm vài cuốn vở, một cây bút cho năm học mới?
 
Sưu tầm từ Internet



Qua Tang Online