Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Thông tin ẩm thực

Lê Vũ Cầu và quán cơm từ thiện

Đăng lúc 13:07 ngày 26/05/2007
Photo
Sài Gòn chứa trong lòng nó biết bao nhiêu cuộc đời kỳ lạ. Lê Vũ Cầu cũng là một trong những cuộc đời ấy, một cuộc đời nhỏ bé nhưng lấm láp mấy chục năm làm nghệ sỹ. Sân khấu biến một cậu bé giang hồ vô gia cư, nghiện ma tuý thành một nghệ sỹ thực thụ.
 


Nghệ thuật cho Lê Vũ Cầu một vai ông Cá Hô để đời trong điện ảnh, một cá tính hài trên sân khấu, nhưng không ai cho ông nổi một gia đình...

Sau cơn bạo bệnh, gã giang hồ nghệ sỹ ấy giờ thoi thóp sống cùng quán cơm chay từ thiện của mình như một kẻ tu hành, dù không phải lúc nào trái tim bệnh tật ấy cũng ngủ ngoan trước sức cám dỗ của nghệ thuật...

Khá lâu rồi, khi biết Lê Vũ Cầu sống trên một chiếc mobil home - một chiếc xe Yukon - tôi gần như muốn run lên bởi những cảm giác đặc biệt. Vị đạo diễn của nhiều vở kịch ấm áp này lại chọn nơi lưu hành cuộc sống của mình trên những ngả đường. Di động giữa thành phố, anh gần như bật ra khỏi nhịp sống náo nhiệt này, mặc cho hàng triệu con người bên cạnh anh hối hả và kiệt sức để kiếm cho mình một món bất động sản. Lê Vũ Cầu đã sống trong căn nhà di động ấy hai năm và hoàn toàn hài lòng. Mới hay, cái chất phiêu lưu, khao khát đời sống không bó buộc đã nhuốm chặt lấy tâm não Lê Vũ Cầu. Nhưng đến một ngày anh nhận thấy mình không còn xứng đáng với ngôi nhà tự do ấy nữa. Anh bị bệnh. Chiếc xe ấy biểu trưng cho sự khoẻ mạnh và phục vụ một người chọc trời khuấy nước. Chiếc xe không thích hợp cho việc đi lại, sắc thuốc của một người bệnh. Anh bán nó đi và mướn một căn nhà ở Thủ Đức để bắt đầu một cuộc sống gần như im lặng với nghệ thuật. Anh muốn khán giả quên hẳn Lê Vũ Cầu đi, để nếu có trở lại với sân khấu, anh sẽ bắt đầu một chân dung mới.

Lê Vũ Cầu bệnh nặng, giới nghệ sỹ Sài Gòn gần như đã buộc phải nghĩ rằng, họ chuẩn bị mất đi một "ông Cá Hô" làm nghề nghiêm túc và tài năng. Anh nằm trong Bệnh viện Bình An, bệnh xơ gan cổ trướng. Đạo diễn Thế Ngữ đưa anh vào viện, trông nom anh, như đã từng chăm sóc, yêu quý và giúp đỡ anh, đứa em côi cút, suốt mấy chục năm trời. Nghệ sỹ Phước Sang còn tính đi đặt quan tài rồi, các nghệ sỹ khác đã cắt đặt nhau để lo hậu sự cho anh. Nằm hôn mê ba ngày, Lê Vũ Cầu tỉnh lại. Và bắt đầu hành trình quay trở lại với sự sống. Anh nhớ lại những ngày ấy, dường như trong ý nghĩ của anh luôn thường trực một tâm niệm phải sống. Anh sợ mình đi vào cơn mê kia và cứ cuốn đi mãi không còn lại gì. Bởi thực tình, khi ấy anh thèm được sống, để tiếp tục những dự định sân khấu của mình. Lê Vũ Cầu tự nhận mình được trời thương vì hiếm có ai xơ gan cổ trướng mà lại có thể tiếp tục sống. Đời nghệ sỹ một mình, sống nay đây mai đó, không bạn bầy với rượu mới là chuyện hiếm. Anh làm bạn với rượu quá sớm và chưa lúc nào có thể ngưng. Thế nên khi biết mình mắc trọng bệnh, Lê Vũ Cầu lại càng uống nhiều rượu, chỉ để mong cái chết đến nhanh hơn. Nhưng khi từ cõi chết trở về, anh đã chống chọi không ngừng nghỉ với mầm bệnh đang chầu chực trong người.

Lê Vũ Cầu đến với rượu không phải tình cờ. Tôi luôn cho rằng, phía sau mỗi cuộc đời sóng gió là một cá tính bất thường, một lối sống bất thường. Một tuổi thơ bị đánh cắp. Không được học hành. Không có gia đình. Cậu bé mồ côi xứ Cà Mau này sống suốt một cuộc đời thiếu quê hương. Năm 1963, ba mẹ anh trúng đạn máy bay, bỏ lại sáu chị em côi cút, khi ấy Lê Vũ Cầu mới vừa 8 tuổi. Sáu chị em nương tựa vào những người bà con, nhưng rồi chịu không được cảnh ghẻ lạnh, cậu bé đã bỏ làng mà đi. Bỏ làng, đi lang thang, sống vật vờ dưới trời bom rơi đạn lạc. Lưu lạc mãi tận Quy Nhơn, để rồi, cậu bé ấy làm đủ nghề để sống, làm đủ việc để mong có được miếng cơm sạch, tấm áo lành. Vậy mà cuối cùng giấc mơ con ấy vẫn mãi nhọc nhằn. "Tôi đã thành một đứa trẻ giang hồ, sống không có ngày mai. Khi ấy, cái tên "Cầu Sài Gòn" nổi tiếng khắp Quy Nhơn. Người ta nhìn thấy tôi là nhìn một thằng bé đen nhẻm, liều lĩnh, dám làm đủ chuyện, từ ăn xin, đánh giày, cướp giật ở nhà ga, bảo kê gái giang hồ trước đám lính Mỹ...". Lê Vũ Cầu tâm sự. Cuộc sống trôi đi trong nhiều biến động. Cậu bé giang hồ ấy đã tìm cách kiếm sống bằng những kho hàng của lính Mỹ. Và một ngày, khi những đốm lửa đạn sáng rực bờ sông, khi những đứa bạn của anh kêu lên thất thanh, khi tiếng dòng sông bỗng trở nên ấm ức như tiếng nước mắt chảy, Lê Vũ Cầu đã mất đi 6 đứa bạn thân thiết trong nhóm trẻ đường phố. Chúng đã nằm lại đó, dưới mũi súng của Mỹ. Và anh rơi vào trạng thái của kẻ mắc lỗi, sống trong một tinh thần bất an, đầy hoảng loạn.

Chính thời điểm đó, anh đã tìm đến ma tuý như một thứ nô lệ tinh thần. Và rồi, anh trở thành một con nghiện giữa đầu đường xó chợ. Khi đi theo gánh hát cải lương Minh Cảnh, Lê Vũ Cầu chưa thoát được những cơn nghiện. Nhưng cực khổ quá, anh buộc phải nghĩ đến cách sống không ma tuý. Và lại là những cuộc vật lộn không ngừng nghỉ, những cuộc chạy đua liên hồi với khói thuốc. Cuối cùng anh đã thắng, đã đi lên thành một nghệ sỹ thực thụ từ một thang bậc khắc nghiệt của một đứa vô danh đến vai chạy cờ, vai phụ rồi vai chính. Lê Vũ Cầu nói, chính vì trải qua mọi câu chuyện ấy, mà anh đã không thấy sợ hãi trước những biến cố hay thay đổi. Anh chỉ tìm cách thích ứng với nó mà thôi.

Nhìn lại chặng đường dài Lê Vũ Cầu gắn bó với nghệ thuật, người ta sẽ nghĩ nhiều đến anh qua vai trò đạo diễn. Còn nhớ, năm 2003, vở kịch bạc tỷ "Sụp đổ" do anh làm đạo diễn đã gây xôn xao dư luận. Hay rất nhiều những vở hài kịch mà anh là tác giả kiêm luôn diễn viên chính, một lối hài tỉnh queo và tạo nên tiếng cười thâm thuý. Nhưng vai diễn mà anh sẽ để lại tới sau này, đó chính là vai Năm trong phim "Ông Cá Hô", bộ phim không dài nhưng mang vẻ đẹp mộc mạc và lâu bền của đạo diễn Trần Mỹ Hà. Tôi vẫn nhớ thật nhiều cái Vàm Nao ấy, nơi tình yêu đẹp đẽ của người đàn ông miệt ruộng với cô đào hát cải lương bắt đầu. Năm đã sống một đời bằng tình yêu không đong đếm. Để rồi, người yêu anh, nhờ tiền bán cá hô của anh, mà lên thành phố trở thành ngôi sao sân khấu. Lặng lẽ Năm theo dõi người yêu, không hờn trách người yêu, không oán hận người xưa phụ bỏ mình mà còn lo lắng cô dễ bị người đời lường gạt nơi phố thị. Lê Vũ Cầu đã sống trọn vẹn với vai diễn ấy. Khi đó Lê Vũ Cầu mới ngoài ba mươi tuổi, sống mạnh mẽ và phóng khoán, anh đã đi vào cuộc đời Năm như đi vào chính cuộc đời mình.

Và đến tận bây giờ, anh vẫn luôn giữ trong mình con cá hô đáng yêu ấy. Lê Vũ Cầu giữ nguyên một cá tính trong nghệ thuật, là luôn cẩn trọng, hết mình và không vội vàng. Nói đến đây tôi lại nhớ, có lần trò chuyện, diễn viên Thanh Thuý bảo : Thuý luôn dành cho anh Cầu một tình cảm riêng biệt. Bởi anh đã là người thầy lớn với cô trên chặng đường đầu tiên đến với sân khấu. Ngày đó, ai cũng biết Lê Vũ Cầu chăm sóc cho Thuý từng nét diễn. Mỗi khi cô có vai, anh uốn nắn từng buổi tập và khi cô lên sàn diễn, anh nín thở trong cánh gà xem và lại chỉnh sửa. Nhưng Lê Vũ Cầu không bao giờ khen cô. Anh luôn chê trách nghiêm khắc, đến mức một cô gái trẻ đẹp và nhận nhiều lời khen tụng như Thuý cũng tin rằng, mình chẳng là gì cả và mình phải cố gắng nhiều hơn. Sau này khi trưởng thành thêm, Thuý hiểu ra những việc anh làm cho mình. Ngay từ khi gặp nhau buổi đầu tiên, cả hai đã bị cuốn hút nhau một cách kỳ lạ, đó có thể hiểu như sự tương thông trong quan niệm thẩm mỹ và khao khát làm nghề. Nhiều người cũng xôn xao về mối tình giữa Lê Vũ Cầu với Thanh Thuý. Nhưng Lê Vũ Cầu cho rằng, đó là tình anh em. Còn Thanh Thuý nói, cô coi anh như một người anh lớn, một người thầy và có một chút của tình cảm cha con. Những khi anh đau ốm, cô là người chăm sóc. Anh chỉ dạy cho cô mọi kinh nghiệm dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng họ đã không đi đến một tình yêu. Hoặc nếu có, đó là sự mong manh của những cảm xúc đẹp mà không ai bận công lý giải.

Lê Vũ Cầu cho rằng mình có nhiều mối tình, nhiều người phụ nữ đã đi qua đời anh và mỗi người để lại cho anh một niềm vui. Nhưng đến giây phút này, anh chỉ còn lại một tình yêu nhưng tình yêu ấy đã không thể nào công bố được. Người con gái ấy đã yêu anh trong tình yêu đầu, để rồi không đi đến cùng tình yêu vì phải thuận ý gia đình. Sau bao nhiêu năm, nay vẫn là những điều quý giá còn lại với Lê Vũ Cầu.

Chúng tôi gặp lại Lê Vũ Cầu trong một chiều cuối tuần rất nắng. Anh phải đeo kính mới nhìn được số điện thoại, nét cười hằn vị buồn phiền. Anh ngồi trong căn quán lá của mình, nơi này anh đi thuê để bắt đầu một cuộc sống mới, với quán cơm chay từ thiện, mỗi ngày vài trăm suất cho khách thập phương lỡ độ đường hay những người nghèo không có tiền cơm. Những chén cơm sạch sẽ được mang đến từ tấm lòng chân thành. Đó cũng là món cơm chay Lê Vũ Cầu ăn hai bữa mỗi ngày. Anh ăn cơm chay, uống thuốc trị bệnh, nay bệnh cũng đã thuyên giảm đến 60%, như thể bệnh khỏi nhờ tâm. Rồi cứ cố gắng khoẻ mạnh, anh sẽ bắt đầu bộ phim "Vợ thằng Đậu" 10 tập trong năm 2007, kể như kế hoạch cuối đời với nghệ thuật. Sống từng ngày và cố gắng từng ngày, Lê Vũ Cầu đã mang tâm thế của người chấp nhận sòng phẳng với cái chết. Anh chỉ mong ước, cái quán cơm này vẫn còn duy trì mãi. Bởi suốt một phần đời dài, anh được nuôi sống nhờ những món cơm từ thiện. Và quán " Vợ thằng Đậu" anh mở ra như một sự tri ân. Lê Vũ Cầu nói, anh cả đời không biết một mái ấm là thế nào, nên anh sống chung với nhân viên trong quán, ăn ngủ cùng họ, nhận một cậu nhỏ làm con nuôi để nó tiếp tục cái quán cơm này. Anh cũng có một miếng đất rộng ở Vũng Tàu, từng tính chia đất cho bạn bè để lập xóm nghệ sỹ, nhưng nay thành phố quy hoạch làm vườn hoa, nên anh lại buông xuôi chờ ngày giải toả nhận tiền đền bù mà thôi. Thế nên, đi gần năm mươi năm, Lê Vũ Cầu vẫn thực sự chưa an cư. Dù thế nhưng giờ đây, với ông Cá Hô xù xì này, điều đó không còn quan trọng nữa...


Qua Tang Online