Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Ốc len miệt vườn

Đăng lúc 16:14 ngày 05/04/2010
Photo
Quê tôi ở xứ dừa, dừa bạt ngàn. Mương, rạch ngang dọc khắp miệt vườn.
 


Dọc hai bên con rạch, người ta thường trồng dừa nước để chống lở bờ. Dừa nước lớn lên, gốc dừa to đùng, bẹ lá có khi nằm sâu dưới nước. Nước lớn, ốc len theo con nước ăn rong rêu, bùn đất bám quanh gốc dừa rồi leo dần lên bẹ, bò đủng đỉnh. Mùa mưa, trời mát, ốc sinh sản nhiều vô kể.

Khi còn nhỏ, hè nào tôi cũng được ba má cho về quê ngoại nghỉ hè. Người theo chăm sóc tôi suốt thời gian ở quê là dì Sáu. Lúc đó dì chưa có gia đình, nên hai dì cháu rất thân nhau. Biết tôi thích ăn ốc len, dì thường mượn chiếc ghe nhỏ chèo đi bắt ốc. Hai dì cháu luồn lách trong những mương rạch. Trời mưa lâm thâm. Sợ tôi bệnh dì bắt tôi nằm xuống ghe, úp cái mo cau lớn lên người tôi để che mưa, còn dì đội nón lá, chèo xuồng chầm chậm. Không chú ốc len nào trong đám dừa nước thoát được đôi mắt tinh tường của dì.

Muốn ngon, phải ngâm ốc trong nước vo gạo một, hai tiếng đồng hồ cho nhả hết nhớt rồi rửa sạch. Giờ mua ốc ở chợ, người bán có cái kềm bấm hết đuôi mớ ốc cho người mua, nhưng hồi đó, dì tôi phải để ốc lên thớt chặt múm đuôi từng con. Chặt xong, dì rửa sạch để đó, rồi lựa một trái dừa nhỏ mà dày cơm để nạo lấy nước cốt. Phần tôi chạy ra vườn kiếm mớ rau răm với vài trái ớt hiểm. Chuẩn bị đâu đó xong xuôi, dì đổ mớ ốc len vào chảo, đảo đều. Ốc vừa chín, dì chế nước cốt dừa vào, nêm nếm, nước vừa sôi lại là tắt lửa, bỏ rau răm, ớt hiểm vào trộn đều, nhắc xuống liền. Nước cốt dừa lấp xấp trắng mỡ màng, hơi nóng bốc lên mùi thơm rau răm ngào ngạt. Cầm một con ốc len đưa lên miệng hút cái rột, bao nhiêu ngon ngọt, béo ngậy từ thịt ốc chui tọt vào miệng, thật đã!

Vài chục năm đã qua, dì Sáu tôi nay đã xa khuất. Quê tôi cũng không còn nhiều những con ốc len đeo bẹ dừa nước như ngày trước, vì bị tận diệt và mương rạch cứ bị lấp dần. Ngoài chợ, ốc len được bán rất nhiều, nhưng hình như chúng không có được hương vị phù sa, mùi đất, mùi dừa như ốc len quê tôi ngày xưa.


Qua Tang Online