Có mấy món ăn chỉ còn trong ký ức không thuộc hạng đặc sản, không có trong sách vở nhưng đã cứu sống, có thể nói, là cả một tộc người trong một khoảng thời gian tương đối dài (trước và sau Cách mạng tháng Tám và suốt cuộc kháng chiến chống Pháp).
Món ăn ấy được lấy từ cây đao và cây báng, hai loại cây thuộc họ cây móc, gần giống với cây dừa, lá to, dài như lá dừa, mọc trên núi đá. Người Tày, Thái đã phát hiện, chế biến thành nhiều loại thức ăn.
Để có được bột đao, báng, người ta phải hết sức khó nhọc và vất vả lên núi đá chặt cây mang về băm nhỏ, phơi khô rồi giã bằng chày tay. Khi đã thành bột lại phải dùng máng lọc thành tinh bột, nắm thành nắm đem phơi nắng thêm một lần nữa. Dùng dao sắc thái nắm bột ra trộn vào gạo tẻ rồi đồ chín. Bột đồ chín có màu nâu hồng ăn dẻo, thơm, có hương vị của ngô, gạo, nhưng chỉ cần để nguội là cứng như đá, nhai rất khó. Mới ăn thì ngon nhưng ăn nhiều rất xót ruột.
Ngọn của cây đao cũng được ăn sống thay rau. Ngọn đao ngọt, mát như củ đậu, luộc hay nấu canh thay rau đều được. Người có kinh nghiệm chỉ lấy ngọn đao non còn phong kín trong thân cây, còn khi ngọn đã trồi lên thì không ăn được nữa.
Cây đao được ngả xuống có nhiều tinh bột nên rất thích hợp cho sự sinh nở của một loại côn trùng giống như con tằm. Người dân gọi là “tua đuổng” hay “đuổng đao” to bằng ngón chân cái trông giống như loại sâu đục thân nhưng không có chân. Đợi đến đúng thời điểm chúng tròn vo, trắng muốt và béo nục người ta đến bổ thân cây nhặt về. Có cây được đến vài kg “tua đuổng”, đem nấu măng tươi hoặc măng chua. Đây là món ăn giàu đạm như con nhộng tằm, ăn một lần là nhớ mãi.