Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Đặc sản quê tôi

Nhớ bánh tráng suông

Đăng lúc 11:22 ngày 28/09/2006
Photo
Bánh tráng ở đâu cũng có nhưng ăn nhiều, ăn thường xuyên từ bữa ăn sáng cho đến bữa tiệc, giỗ, tết chỉ có ở dân miền Trung. Và ăn bánh tráng suông có lẽ chỉ có ở dân Bình Định.
 


Bánh tráng làm từ gạo, mì nhưng khác với cơm, bún, bánh tráng có thể để lâu để làm thành một thứ lương khô. Bánh tráng có từ thời nào, không ai xác định được. Ngay cả chuyện kể anh em nhà Tây Sơn dùng bánh tráng làm lương khô để hành quân cũng khó kiểm chứng ở quê tôi. Người nông dân ra đồng, biếng nấu cơm sáng, quơ đại mấy cái bánh, nhúng nước chấm với nước mắm ớt là xong bữa. Vào bữa cơm thấy có món cá nục hấp, nhúng bậy vài cái bánh tráng. Thế là có món ngon miệng: bánh tráng cuốn cá nục kèm rau muống sống...

Món không thiếu trên bàn ăn

Bánh tráng nướng coi như món "xã giao" mở đầu cho một bữa tiệc, bữa giỗ. Ngồi vào chiếu, vào phản, chủ nhà mời khách so đũa, khách và chủ tiện tay bẻ cúc cắc miếng bánh tráng. Những tiếng lắc cắc vui tai vang lên trong bàn tiệc. Bởi vậy, ở nhà quê, giỗ mà không có bánh tráng nướng úp vài chiếc trên bàn thờ, coi như còn thiếu thứ gì đó.

Học trò nghỉ tết vô, đứa nào cũng đèo theo một hai sàn bánh tráng. Thứ quà mà mấy anh lơ xe rất ngại, vì nó cồng kềnh và dễ vỡ. Nhưng mấy anh học trò Bình Định quyết mang tới nơi. Bởi đến đêm học khuya mới thấy chắc bụng.

Nhớ những năm học ở Sài Gòn, trên hai căn gác kề nhau, chỉ toàn là sinh viên gốc Bình Định. Ngồi học đến mười một, mười hai giờ đêm, bảo nhau ngừng tay. Thế là một "hội bánh tráng ăn khuya" bày ra. Đứa lục giỏ góp bánh tráng, đứa đi nhúng nước, đứa nổi lửa nướng bánh. Nước chấm có thể là nước mắm ớt hoặc mắm ruốc trộn ớt tỏi, thêm chút đường, vài giọt chanh. Thế là chúm đầu ăn say sưa cho tới no bụng mới thôi. Có lẽ ăn bánh tráng sống, cuốn bánh tráng chín cũng chỉ có ở Bình Định.

Ăn gì cũng có bánh tráng

Bây giờ, không cần đèo bánh tráng từ quê vào cho khổ. Bánh tráng Bình Định có bán ngay ở Sài Gòn. Lúc nào chẳng có ở hiệu thực phẩm đường Cô Giang, quận 1.

Người Quảng Ngãi có thói quen ăn món gì có nước thường kèm bánh tráng. Món đặc sản có tiếng là món gion, chỉ cần tô gion kèm với một cái bánh tráng là đủ.

Người Bình Định ăn bánh hỏi ít thấy ở các vùng khác là ăn bánh hỏi cuốn vào bánh tráng sống nhúng nước chấm nước mắm. Nhưng ăn ngon phải là bánh hỏi chính cống Bình Định, sợi hơi nhỏ, lá hẹ cũng nhỏ... Vì thế người Bình Định hay nói: "quê tôi, thứ gì cũng thật".


Qua Tang Online