Theo nguồn tin Reuters, giá gạo thế giới 2 tuần qua (11- 24/2/2010) giảm mạnh do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu thấp.
Các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan và Việt Nam đang muốn can thiệp vào thị trường lúa gạo để bình ổn giá sau 4 tuần giá liên tiếp giảm.
Tại Thái Lan, gạo 100% B giá ở mức 530 USD/tấn, giảm 5% so với mức 560 USD/tấn một tuần trước đây, và càng giảm mạnh so với mức 575 USD/tấn hai tuần trước, bởi đang vào vụ thu hoạch thứ 2. Sản lượng lúa vụ này của Thái Lan dự kiến đạt 7 triệu tấn. Việc thu hoạch sẽ cao điểm vào giữa tháng 4.
Giá gạo liên tục giảm từ đầu năm nay bởi khách hàng Châu Phi và Philippine – những khách hàng lớn nhất thế giới – không còn tham gia tích cực vào thị trường như cuối năm 2009.
Giá các loại gạo khác của Thái Lan cũng giảm mạnh bởi nhu cầu rất thấp.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, giá giảm 8% trong tuần qua sau một tuần nghỉ Tết. Khoảng 48% tổng sản lượng gạo Việt Nam đến từ vụ Đông – Xuân.
Gạo 25% tấm của Việt Nam giá giảm xuống mức 360 – 380 USD/tấn, so với 410 – 415 USD/tấn hai tuần trước đây.
Các thương gia dự báo giá gạo sẽ còn giảm hơn nữa trong 2 tuần tới.
Những nỗ lực của Chính phủ Thái Lan để bán một phần gạo dự trữ trong kho của Chính phủ càng tác động xấu tới thị trường gạo. Hiện Chính phủ Thái có khoảng 6 triệu tấn gạo dự trữ.
Tuần này, Chính phủ Thái tiến hành một cuộc bán đấu giá 500.000 tấn gạo, song chỉ có 11 nhà xuất khẩu tham gia bỏ thầu, và giá rất thấp. Họ bỏ giá chỉ 14.000 Baht (423 USD)/tấn đối với gạo trắng 5% tấm, trong khi giá trên thị trường hiện là 505 USD/tấn. Với mức giá bỏ thầu đó, chưa chắc Chính phủ sẽ đồng ý bán.
Hãng Thông tấn Thái Lan (NNT) dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Pornthiva Nakasai ngày 22/2 cho biết Bộ Thương mại nước này sẽ chào bán 350.000 tấn gạo 5% tấm và 150.000 tấn gạo thơm Pathum Thani.
Vào đầu tháng 1, giá tham khảo gạo Thái Lan vào khoảng 615 USD/tấn, và các nhà xuất khẩu lo ngại rằng một số khách hàng đã ký hợp đồng khi đó có thể sẽ huỷ hợp đồng để ký lại với giá hiện nay.
Các thương gia ở Việt Nam dự báo nhu cầu sẽ tăng lên vào 6 tháng cuối năm, khi đó khách hàng Châu Phi và Philippine sẽ có nhu cầu mua nhiều. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến sẽ sớm họp các thành viên và các nhà xuất khẩu gạo để bàn các biện pháp ngăn chặn giá gạo giảm hơn nữa.
Chính phủ đã yêu cầu các nhà xuất khẩu lớn bắt đầu tiến hành thu mua gạo từ nông dân từ tháng 8 năm ngoái để ổn định giá, với mục tiêu mua khoảng 1 triệu tấn.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá thóc vụ đông – xuân mới ở mức 3.900 – 5.300 đông (20,5 - 28 U.S. cents)/kg trong tuần qua, giảm so với 4.500 – 6.000 đồng hai tuần trước đây.
Tuy nhiên, các thương gia cho rằng giá chưa chắc sẽ giảm mạnh trong những tháng tới bởi có thể Irắc và Philippine sẽ tiến hành mua gạo.
Trên tạp chí Lúa gạo mới ra gần đây của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế, chuyên gia kinh tế Samarendu Mohanty cho rằng để bù đắp sự thiếu hụt trong sản lượng, các kho dự trữ gạo thế giới sẽ giảm nhưng giá gạo sẽ không vì thế mà sụt giảm lớn. Ông Mohanty khẳng định: "Chắc chắn giá gạo sẽ không sớm trở lại mức 300 USD/tấn mà sẽ duy trì ở mức trên dưới 600 USD/tấn trong thời gian sắp tới."
Philippine đang xem xét khả năng tăng cường nhập khẩu gạo trong năm nay để bù vào chỗ thiếu hụt lớn do El Nino gây giảm sản lượng nội địa.
Cơ quan lương thực quốc gia Philippines ngày 21/2 cho biết sẽ mua thêm khoảng 800.000 tấn gạo trong năm nay, do mất mùa vì hạn hán. Mức nhập khẩu gạo thêm này sẽ khiến số gạo Phillipines đặt mua năm nay lên mức kỷ lục 3,2 triệu tấn.
Hiện nay mùa khô tại Philippines có thể kéo dài đến tháng 7 khiến nông dân không đủ nước tưới tiêu cho vụ mùa trồng vào tháng 5 - 6.2010. Hãng Reuters cho rằng, hai nước xuất khẩu lớn là Việt Nam và Thái Lan đang có lượng gạo dự trữ dồi dào, nên tình trạng giá gạo tăng vì Philippines mua thêm sẽ khó xảy ra.
Tại Trung Quốc, Cơ quan Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ấn định giá thu mua tối thiểu trong năm 2010 đối với gạo hạt ngắn ở mức 105 NDT (15 USD)/50 kg, tăng 10,5% so với năm ngoái và tăng 5,4% giá gạo hạt dài nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất.
Nông dân Trung Quốc phải bán một phần lượng gạo mà họ sản xuất cho Nhà nước theo các mức giá quy định và phần còn lại được bán ra các thị trường mở, nơi giá gạo thường có xu hướng cao hơn. Do vậy, việc điều chỉnh giá thu mua nói trên sẽ giúp tăng thu nhập cho khu vực nông thôn.
Giá gạo đã từng tăng gấp ba lên 1.000 USD/tấn trong giai đoạn từ tháng 11/2007 đến tháng 5/2008. Năm 2009, thị trường gạo tiếp tục biến động mạnh khi Ấn Độ có ý định nhập khẩu gạo sau một đợt hạn hán kinh hoàng, song New Delhi đã tạm hoãn ý định này.
Chuyên gia Samarendu Mohanty cho rằng giá gạo thế giới sẽ biến thiên tùy thuộc vào cách thức các quốc gia phản ứng trước những thông tin thổi phồng của thị trường về nguy cơ thiếu hụt gạo.