Hồi còn nhỏ, lần đầu vào thành phố chơi, tôi đã quả quyết với mẹ rằng, trăng ở quê mình lớn và đẹp hơn ở thành phố nhiều. Ở đây, nhà cửa che mất trăng, ánh sáng của đủ thứ đèn lấn át ánh sáng trăng dìu dịu.
Dần dà lớn lên, tôi càng nhận ra rằng, chẳng có trăng nơi đâu đẹp bằng trăng quê mình.
Trăng quê hiện ra rõ mồn một sau hàng cau trải dài nơi ngõ xóm. Thi thoảng, tưởng như trăng trốn đâu sau rặng tre đằng ngà đang đung đưa theo gió, lát sau lại thấy trăng ẩn hiện trong đám mây xám màu xa tít ở trên cao.
Hồi ấy, cứ tối đến, mấy bà cháu thường bê cái chõng tre ra giữa sân rồi chen chúc nhau nằm. Chị em tôi thường hướng mắt lên bầu trời, ngắm vầng trăng trôi đi nhè nhẹ và nằm yên nghe nội kể chuyện cổ tích. Sau đó, lại ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Đến lúc cả nhà đi ngủ, ba mẹ lại phải bế từng đứa vào giường. Cũng lắm lúc ba vừa đưa tay đỡ cái đầu lên, chị em tôi đã tỉnh giấc nhưng vẫn vờ nằm im để ba bế. Có khi tủm tỉm nín cười nghe ba cằn nhằn “Mấy đứa này mới đó mà lớn nhanh thật, nặng quá!”.
Những hôm nghe chuyện cổ tích chán, chúng tôi lại đòi nội đọc bài ca dao về trăng. Những lúc ấy, nội ngước nhìn bầu trời rộng rãi rồi chầm chậm đọc: “ Mồng một lưỡi trai/ Mồng hai lá lúa/ Mồng ba câu liêm/ Mồng bốn lưỡi liềm”... Cứ thế, nội đọc từ tốn cho tới ngày cuối tháng, vừa đọc vừa giải thích hình dạng trăng lúc ấy ra sao, nên được so sánh thế nào.
Có hôm, khi ba và mấy bác bê bộ bàn ghế ra giữa sân, ngồi uống trà và nói chuyện thời cuộc, mẹ hì hụi nấu chè trong bếp. Ngoài này, chị em chúng tôi lại cãi nhau ỏm tỏi vì đứa nào cũng kiên quyết: “Trăng đi theo chị! Trăng của chị!”, “Không, trăng đi theo em! Trăng là của em!”. Cuộc cãi vã chỉ chấm dứt khi mẹ bê hai chén chè nếp thơm lựng ra, rồi nhẹ nhàng bảo trăng là của cả hai chị em, của tất thảy mọi người. Thế là chúng tôi nhìn nhau hết cãi, ừ, nó nằm trên trời, mình đâu với tay lấy cất vào túi được nhỉ!
Những đêm trăng sáng, thích nhất vẫn là tụ tập ở sân nhà dì để chơi trốn tìm. Khi con bé Cò vừa hô “năm, mười, mười lăm, hai mươi…” chúng tôi bắt đầu chia nhau đi trốn. Gốc cây khế, cái giếng nước, bụi chè tàu… luôn là nơi trốn lý tưởng nhất. Có lần, bé Cò đang dáo dác đi tìm, chợt thấy nhỏ Ty thả tóc, ngồi quay lưng thu lu nơi chái bếp, nó khóc ré lên, tưởng là ma, năn nỉ mãi vẫn không chịu chơi tiếp. Nhiều hôm, cuộc chơi chỉ chấm dứt khi bị người lớn í ới gọi về ngủ.
Đêm ở quê mát mẻ, ngọn gió chẳng e dè như ban ngày, cứ mặc nhiên lùa lạo xạo vào ô cửa sổ. Trăng sáng trưng, soi rọi cả con đường làng vắng vẻ. Xung quanh thanh tịnh, chốc lát văng vẳng tiếng côn trùng rả rích trong đêm. Cánh đồng trước mặt nhà cứ chấp chờn ánh đèn pin của mấy anh trong xóm đi bắt ếch.
Nhà cửa ở quê luôn cách nhau một quãng, những hôm về nội ở lại, tối khuya kêu đói bụng là nội lại bắt gà làm thịt cho mấy chị em. Thi thoảng, nội sai chúng tôi đi qua nhà bác xin củ hành. Hai chị em nắm chặt tay nhau, đứa kia cảm nhận được cái run rẩy từ tay đứa này. Trăng rọi xuống chỗ gốc tre đầu làng tạo thành cái hình gì chẳng rõ, nhìn ra giữa ruộng, những con bù nhìn phất phơ trong gió, bất giác nhớ câu chuyện ma mà nội kể hôm nào. Hai chị em nhìn nhau, hét lên rồi chạy trối chết. Qua tới nhà bác, mặt mày xanh lét, sau đó một hai đòi bác đưa về.
Có hôm, anh con bác dẫn mấy chị em ra chỗ bờ sông Thạch Hãn ngồi hóng gió, bắt gặp anh Tư và chị Hiền trong xóm đang ngồi thỏ thẻ chuyện trò với nhau. Cả bọn nghịch ngợm, lấy đá ném ra mặt sông rồi chạy, nghe anh Tư chửi với theo mà cười nắc nẻ.
Nhiều năm trôi qua, quê mình nay đã đổi khác, cây cối thưa thớt dần trong khi nhà cửa mọc lên san sát hơn, những khoảng sân rộng rãi như ngày xưa chẳng còn. May sao! Trẻ nít bây giờ cũng chẳng giống mình ngày xưa, hình như không thích thú với trò trốn tìm dưới đêm trăng sáng, trong khi trăng thì vẫn dịu dàng muôn thuở!
Sưu tầm