Những người Hưng Yên xa xứ mỗi khi về thăm quê hương thường đến Gốc Sanh ăn một bát bún thang của nhà hàng Thế Kỷ.
Cửa hàng của bà vốn không có biển hiệu. Khách ăn quen gọi cửa hàng bằng tên của bà và cũng muốn món ăn này tồn tại ít ra cũng một trăm năm. Nhà hàng ngày trước rộng rãi thoáng mát, trước cửa có cây to rủ bóng, treo mành. Quầy thức ăn căng lưới, từng bát lươn, gà thái chỉ tẩm nghệ sào vàng ươm. Rồi giò lụa, trứng tráng cũng đều thái chỉ đầy ú ụ trong đĩa, trong bát. Khách đến bà dắp bón, xúc nhân nhanh thoăn thoát, và loáng cái, bát bún thang đã là một tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc: cái trắng của bún Vân Tiêu làm nền, cái vàng của nhân lươn, nhân gà được tôn lên bởi đám rau răm xanh rờn. Thêm thìa mắm tôm và muôi nước dùng bốc khói, bát bún như ân cần mời mọc, nhìn đã ứa nước miếng.
Bún thang làm không khó, nhưng làm được ngon không phải dễ. Thời trước không có mì chính nhưng nước dùng được hầm với xương lợn, xương gà, cua đồng, tôm he và sá sùng. Váng nước được hớt đi, còn lại là lượng nước trong béo ngậy. Bí quyết của nhà hàng là mọi thứ nguyên liệu được chế biến đủ độ chín tới, liều lượng cân đối không non tay cũng không già lửa, làm mãi thành quen, nếu không bát bún trở thành vô duyên không sao chữa được.
Thang lươn ngon hơn thang gà, làm công phu hơn và cũng đích thực là bún thang hơn. Lươn thui rồi mới mổ, không mất máu, bao giờ cũng ngon.
Bún thang là món ăn nhiều đạm phù hợp với tuổi tráng niên đang sung sức. Nó cũng là một nỗi nhớ của Hưng Yên.