Ngày xưa, cả huyện Thạch Thất (Hà Tây) chỉ mỗi làng Canh Nậu mới có Tết Cá, Tết Gà. Nghĩ cho cùng thì cũng hợp lý thôi. Sau ba ngày, ba mươi, mồng một, mồng hai, dưa hành rồi các loại thịt làm người ta có cảm giác ngây ngấy, ngày mồng ba được ăn món cá thấy ngon và thú vị hơn.
Ngay từ mờ sáng mồng ba, đường làng ngõ xóm đã gọi nhau í ới, tiếng chân rậm rịch sôi động, rộn rã về chợ phiên của làng. Chợ cung cấp cá cho làng ăn tết mồng ba. Vì thế, để có cá bán, cứ khoảng cuối năm, những ao của làng đều rất cạn, chỉ để lại đủ xâm xấp nước đáy ao cho cá sống, đợi đến mồng hai sẽ tát vét cá cho dân làng. Ao làng giờ đây cũng còn rất ít, nhưng dân buôn cá trong vùng đến ngày mồng ba vẫn mang cá về đây bán.
Không ai biết Tết Cá của làng này có từ bao giờ, các cụ già trong làng cũng chỉ biết vậy để nhắc nhở con cháu, chứ chẳng ai lý giải được nguồn gốc của nó. Thế hệ này đến thế hệ khác cứ thế mà làm theo. Ngày mồng ba nhà nào cũng phải có con cá trong mâm cơm cúng. Nhà giàu thì có dăm ba món chế biến từ cá, nhà nghèo cũng phải có con cá rán nho nhỏ bày lên cho phải phép.
Từ ngày mồng bốn đến ngày mồng sáu, nề nếp sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng đến ngày mồng bảy, nhà nhà, người người đều phải gác lại mọi công việc đống áng để… ăn Tết tiếp. Tết này không ăn cá nữa mà ăn thịt gà. Nghe các cụ kể ngày xưa có một gia đình ở làng, khi Tết xong đã lâu, giò thủ, dưa hành đã hết, lại tìm được chiếc bánh chưng đã bị chuột cắp. Chẳng có gì để ăn, thế là đi bắt con gà làm thịt, rồi cái lệ ăn gà vào ngày mồng bảy cũng từ đó. Nhà nhà trong mâm cơm cúng tổ tiên ít nhất cũng phải có một đĩa thịt gà.
Trong hai ngày mồng một, mồng hai Tết, người ta đi Tết nhau, họ chỉ uống chén trà, nhâm cái kẹo để "lấy may". Sau lời chúc tốt đẹp đầu năm, chủ và khách đều mời nhau đến nhà ăn bữa cơm cá vào ngày mồng ba, nếu người được mời từ chối, thì sẽ được mời tiếp "thế mồng bảy rảnh rỗi, đến ăn tết gà với gia đình tôi nhé!". Người thật lòng muốn vậy, cũng có người dù biết khách chẳng đến, vẫn cứ mời như câu cửa miệng. Hình như mọi người đều có ý nghĩ rằng trong câu mời ấy là một lời nhắc nhở nhau nhớ đến phong tục tốt đẹp của người làng mình. Nhà ai mà có khách ở xa đến vào những ngày Tết này sẽ cảm thấy tự hào may mắn lắm, và du khách có từ chối đến mấy cũng phải nán lại uống chút rượu, nhắm tí thức ăn đặc trưng của ngày Tết ấy.