Theo khảo sát, phần lớn các trường hợp tử vong tức thì sau uống rượu là do uống phải cồn công nghiệp.
Tử vong vì độc tố metanol trong rượu giả
Theo GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, rượu độc là rượu đã bị pha với cồn công nghiệp dẫn đến ngộ độc metanol, bởi metanol không chuyển hóa ra ngoài mà gây suy gan thận.
Metanol cũng là rượu, nhưng là dung môi, dùng để gây tê, pha chế mực in… Nếu pha chế vào rượu, chỉ cần 7ml metanol đã có thể gây hôn mê và tử vong. Với lượng ít hơn, người uống vào không nhìn thấy mọi vật.
GS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cồn công nghiệp là metanol, chỉ dùng trong công nghiệp, không được phép uống, nhưng do giá rẻ nên một số người vì lợi nhuận đã pha vào rượu sản xuất để uống.
Nếu như rượu thông thường sản xuất bằng cách lên men tự nhiên, khi say có thể nguy hiểm bởi người say không ý thức được hành vi, ngủ mê mệt dễ bị sặc phổi, hạ đường máu (một số trường hợp có thể hạ đường máu, sặc phổi mà dẫn đến tử vong). Rượu độc pha bởi cồn công nghiệp dễ khiến người uống tử vong bởi độc tố metanol.
Rượu có pha cồn sẽ có giá thành rẻ. Thậm chí, chỉ cần cồn công nghiệp pha với nước lã cũng thành "rượu" được. Người sản xuất không ý thức được rằng, chỉ một ít cồn công nghiệp, uống vào người cũng gây độc cho thần kinh và mắt.
Phân biệt rượu rởm và thật
Theo PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam), bằng cảm quan, rượu pha cồn công nghiệp thường trong, có mùi cồn đặc trưng, ít thơm, uống vào có cảm giác sốc, không êm (do có nhiều andehit và metanol). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách phân biệt theo cảm quan. Còn để biết chính xác, cần có các chuyên gia kỹ thuật làm xét nghiệm.
Trong quy trình nấu rượu, chỉ lớp thứ 2 ở giữa là etanol mới uống được; Lớp dưới cùng và lớp đầu tiên có chứa các chất nặng, khó bay hơi không phải rượu uống; Lớp thứ 3 ở phía trên có chứa nhiều metanol gây độc.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là các nhà chức trách cần có biện pháp quyết liệt để ngăn cấm việc rượu rởm tuồn ra thị trường. Người tiêu dùng nên sử dụng rượu nhà máy, có dán tem, thận trọng với các loại rượu trắng tư nhân nấu không được kiểm soát kỹ.
Khi có người có triệu chứng ngộ độc rượu (nôn ọe sau uống rượu), cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất. Việc chủ quan tự cấp cứu tại nhà vì tưởng say rượu thông thường có thể khiến người ngộ độc rượu tử vong.
Được biết, tới đây, Cục ATVSTP sẽ có những đề xuất phối hợp với Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để nghiên cứu về ngộ độc rượu.
Rượu sắn, ngô dễ có nhiều metanol
Với rượu tự nấu, thường người nấu khó chưng cất được tách bạch nên thành phẩm dễ gây độc. Nếu men tốt, làm cẩn thận, rượu nếp sản xuất từ gạo cũng tốt (rượu cuốc lủi xịn uống cũng êm), nhưng rượu sắn, rượu ngô lại thêm men không tốt, rất dễ ra nhiều metanol. Còn rượu nhà máy có kỹ thuật theo tháp chưng cất sẽ tách được nhiều phần.