Ngày 26-6-2006, ở Tỉnh Bình Thuận đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn phải mực đốm xanh làm 13 người phải đưa đi cấp cứu và 1 tử vong. Đây không phải là vụ ngộ độc mực đốm xanh đầu tiên ở vùng biển này;
Từ năm 2002 đến nay ở Bình Thuận đã có 81 người bị ngộ độc do ăn mực đốm xanh, trong đó có 3 người chết. Mực đốm xanh có chất gì mà nguy hiểm như vậy?Theo những tài liệu nghiên cứu, loài mực này có tên khoa học là Hapalochlaena thuộc họ Bạch tuộc (Octopodidea), còn có tên gọi là mực tuộc, mực đốm xanh hay mực tuộc đốm xanh.
Đây là một loài mực nhỏ có những vòng xanh lốm đốm trên da, cân nặng trung bình khoảng 50g, có 8 tay dài khoảng 8-10cm, trong cơ thể chúng có chứa chất độc tố thần kinh rất mạnh tetrodotoxin. Độc tố này tác dụng trên thần kinh trung ương làm liệt các trung khu thần kinh, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Điều cần chú ý là chất độc này không bị nhiệt phá huỷ, nó chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô chất độc vẫn tồn tại do đó mực đốm xanh được nấu chín hoặc phơi khô ăn đều nguy hiểm.Sau khi ăn phải mực đốm xanh, chất Tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá trong 5-10 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện. Liều gây tử vong đối với người là 1 - 2mg. Nguyên nhân tử vong do ngộ độc Tetrodotoxin là liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp. Như vậy chất độc có trong mực đốm xanh và những loài cá nóc thường gây ngộ độc ở vùng biển nước ta cũng là một độc tố Tetrodotoxin. Để chủ động đề phòng ngộ độc, điều trước tiên chúng ta phải nhớ là không được ăn cá nóc và mực đốm xanh. Khi mua cá biển về ăn, dù là cá tươi, cá khô hay cá đông lạnh chúng ta phải xem cẩn thận để khỏi mua nhầm loàI cá và mực độc hại này. Triệu chứng ngộ độc và việc cấp cứu tại chỗ. Về triệu chứng, người bị ngộ độc Tetrodotoxin do ăn cá nóc và mực đốm xanh thường như sau:
Trường hợp nhẹ: Sau khi ăn phải thực phẩm có chất độc từ 10 phút đến vài giờ, người bệnh thấy tê môi, lưỡi, miệng, mặt, tê các ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân; đồng thời thấy đau đầu, vã mồ hôi; đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt.Trường hợp nặng: Người bệnh mệt lả, yếu cơ, liệt cơ tiến triển nên đi đứng loạng choạng không vững. Yếu cơ có thể nặng lên nhanh chóng dẫn đến liệt toàn thân, kể cả cơ hô hấp, khiến người bệnh không thở được, suy hô hấp, ngừng thở, co giật, mạch chậm, huyết áp hạ và hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, người bệnh sẽ chết nhanh chóng.Như vậy ngộ độc mực đốm xanh cũng như ngộ độc cá nóc thường rất nặng, dễ chết, nếu không được cấp cứu sớm ngay khi có các dấu hiệu ngộ độc đầu tiên. Việc cấp cứu người bị ngộ độc ngay tại chỗ rất quan trọng.
Cách xử trí ngộ độc tại nơi xảy ra tai nạn như sau: Ngay khi thấy các dấu hiệu ngộ độc đầu tiên như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay, người bệnh vẫn còn tỉnh phải tìm mọi cách làm cho nôn ra được. Khi gây nôn chú ý để bệnh nhân nằm nghiêng, đầu thấp để tránh sặc. Cho bệnh nhân uống than hoạt càng sớm càng tốt. Than hoạt (Charbon activé) có tác dụng hấp phụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hoá, nếu cho người bệnh uống sớm trong vòng một giờ sau khi ăn sẽ có hiệu quả cao.v Trường hợp người bệnh đã rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở phải khẩn trương thổi ngạt đường miệng - miệng hay miệng - mũi...v.v.
Trong mọi trường hợp phải tìm mọi cách nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được áp dụng các biện pháp điều trị cấp cứu tích cực, dùng các loại thuốc và biện pháp cần thiết để hồi sức hô hấp, tuần hoàn, bảo đảm chức năng sống.