Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Du lịch

Du lịch với… thần kinh thép

Đăng lúc 19:44 ngày 23/02/2014
Chưa có nhiều người Việt Nam từng nghe nói đến Tú Làn, kể cả sau khi các hang động và khu rừng nguyên sinh ở thung lũng Tú Làn xuất hiện lần đầu trên tạp chí National Geographic vào tháng 3/2011.
 
   Chưa có nhiều người Việt Nam từng nghe nói đến Tú Làn, kể cả sau khi các hang động và khu rừng nguyên sinh ở thung lũng Tú Làn xuất hiện lần đầu trên tạp chí National Geographic vào tháng 3/2011.
 
   Muốn đi đến Tú Làn, ngoài sức khỏe dẻo dai thì bạn cần phải có thần kinh thép, bởi nếu không khéo, bạn sẽ… mất mạng như chơi.

dulich-1.jpg
Tác giả cắm trại ngay trên đường đi

dulich-2.jpg
Chuẩn bị leo núi

dulich-3.jpg
Tự nấu nướng thức ăn “dã chiến”

dulich-4.jpg
Thạch nhũ trong động

dulich-5.jpg
Một đoạn đường núi

dulich-6.jpg
“Chế biến” thức ăn giữa thiên nhiên...

dulich-7.jpg
Thung lũng Tú Làn (nhìn toàn cảnh)


   Quần thể hang động Tú Làn - Tố Mộ thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - Quảng Bình, nằm ngay trong khu vực có đông người Nguồn (*) sinh sống, cách Phong Nha - Kẻ Bàng gần 100 km. Tú Làn được ông Đinh Hồng Nhâm - một người Nguồn, phát hiện cách đây vài năm sau một lần đi tìm chỗ mới để đánh cá. Sau đó, đích thân ông đã dẫn những người của Hiệp hội thám hiểm Hang động Hoàng gia Anh vào khảo sát. Trên thực tế, người Nguồn sống quanh khu vực này đã săn bắt và thả lưới, đốn củi ở Tú Làn từ những năm đầu thập niên 80. Họ nghĩ đó như một sự an định của trời đất, và đặt nặng giá trị tinh thần hơn là việc mang ra khoe cho nhiều người nơi khác kéo đến chiêm ngưỡng. Một phần, theo tôi là do tín ngưỡng. Người Nguồn chỉ có tôn giáo duy nhất là ông bà. Hàng năm, mỗi dòng tộc đều làm lễ rất lớn vào ngày mất của ông Tổ dòng họ đó.

   Tú Làn đang trong giai đoạn khảo sát nên vẫn còn khá nguy hiểm. Trên các kênh chính thức, thì chỉ có khách mời của Quảng Bình và khách của một công ti du lịch đặt vấn đề khai thác Tú Làn mới vào được thung lũng. Tuy nhiên, nhiều cuộc thám hiểm “ngoài luồng” của dân “phượt” vẫn diễn ra. Chúng tôi xuất phát từ Đồng Hới (Quảng Bình) chạy theo đường mòn Hồ Chí Minh đến Ngã Ba Pheo (xã Trung Hóa) khoảng 100km, từ đây đến trung tâm xã Tân Hóa 20km rồi theo đường mòn dẫn vào Tú Làn.

@ CHẶNG 1: TÂN HÓA - HANG HUNG TON
   Từ xã Tân Hóa, chúng tôi thuê xe địa hình đi chừng 7 km nữa thì tới sát núi. Để vào đến hang Hung Ton, tôi phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ vượt qua thung lũng Rào Nan đầy cỏ gai, leo qua một dãy núi đá vôi lởm chởm nữa thì mới đến. Hung Ton chia làm 2, qua phần hang khô tối om thì bị chặn ngang bởi dòng sông ngầm bí ẩn. Để đi tiếp tới Tú Làn chỉ có cách vượt qua đoạn sông ngầm này. Ngoài những phương tiện chuyên dụng như đèn chiếu sáng đội đầu, thuyền bơi, phao... bạn cần phải có một “thần kinh thép” mới đủ can đảm để lội qua. Mạch ngầm đầy đá, nước sặc mùi bùn; hang sâu khoảng 30m, dòng chảy chia làm 3, ngắt thành 3 đoạn thác. Những đám dơi bu đen kêu lít chít trên vòm hang. Vượt qua hết đoạn sông ngầm, hồ nước thiên nhiên với tiếng đập của thác nước hiện ra như thiên đường. Một vẻ kỳ bí và hoang dại, đánh thức tất cả các giác quan. Đây là phần cuối của hang Hung Ton, nhìn như một cái giếng trời được bao kín bởi các ngọn núi và những vách đá dựng đứng. Lúc vào được tới đây thì trời đã tối. Cá bơi đầy dưới suối, muốn ăn phải tự bắt. Rau sẵn xung quanh, một nắm lá ngốt có vị chua như lá giang nấu cá, bảo đảm giải hết mỏi mệt...

   Theo truyền thuyết, Tú Làn là tên của 2 chị em đi tìm củi. Người em bị nước suối cuốn, người chị lao theo cứu và cả 2 cùng bị chết đuối. Dân địa phương lại có người bảo khác, Tú Làn đọc trại từ Vú Làn - nghĩa là vú và lưỡi, nhưng cũng không giải thích vì sao có tên đó; người thì nói đơn giản Vú Làn tức là 2 chị em. Tóm lại, người nghiêm túc thì gọi Tú Làn, còn người tếu táo thì kêu Vú Làn - đằng nào cũng… trúng.

@ CHẶNG THỨ 2: HANG HUNG TON - TÚ LÀN
   Buổi sáng tinh mơ, sau khi gói ghém đồ đạc, chúng tôi rời Hung Ton và bắt đầu vượt núi. Ở vài đoạn, những người thợ xẻ bắc chiếc cầu gỗ dã chiến giúp đường đi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nguy hiểm sẽ luôn chực chờ bạn trên các mỏm đá tai mèo nhọn hoắt hoặc những thân cây mọc xiên triền núi. Có những loại cây rừng chỉ có dân địa phương sành sỏi mới biết là thân dai hay giòn, rủi bám trúng cành giòn là rớt té xuống vực như chơi.

   Qua khỏi ngọn núi, thung lũng Tú Làn hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ và chưa bị bàn tay con người can thiệp. Lúc chúng tôi vừa tới còn thấy một cặp du khách Tây đang… “tắm tiên” (?!). Nghe ra thì đơn giản, nhưng đường vượt núi khá vất vả. Nếu ở nhà, tôi chạy 5 km mỗi ngày thì ở đây chỉ tương đương với nửa cây số đường núi. Không có sức bền và nếu có thân hình hơi béo, bạn sẽ leo khá mệt. Quanh thung lũng là một quần thể hang động, nhưng đặc biệt nhất là hang khô - lội thêm 2 km đường rừng nữa là hang ướt, nằm ngay sau thác nước trong thung lũng.

   Hang khô Tú Làn dài khoảng 600m, hiện được xem hơn hẳn những hang động khác về độ kỳ vĩ của thạch nhũ. Càng vào sâu, càng thoáng ngợp trước những cột thạch nhũ mọc từ dưới nền hang lên. Chỉ 1 cm thạch nhũ đã có tới hơn 10 ngàn năm kiến tạo; một hang động có hàng trăm triệu năm hình thành. Trầm tích thời gian lắng đọng, dường như ai cũng ý thức bước chậm, thật khẽ khàng. Cuối mỗi đáy hang thường có một ngách nhỏ dẫn xuống một hang động nước mát lạnh. Người bản địa gọi đó là Rục Poọc, kiểu như con sông ngầm. Dân ở đây cũng tin rằng, có dòng chảy ngầm từ Phong Nha tới Tú Làn. Nghe đâu hồi 1999 có lũ, người sống ở khu vực động Phong Nha chết, nhiều ngày sau thi thể được tìm thấy tại thung lũng Tú Làn.

   Hang ướt nằm khuất sau thác nước, với các vách đá vôi cao ngút mắt. Nhóm thám hiểm đã chuẩn bị phao bơi, nhưng phải đủ dũng khí mới sải hết cả ngàn mét chiều dài hang tối sẫm. Tú Làn còn vô số hang động khác chưa được khám phá. Trong tương lai gần, hi vọng sản phẩm du lịch mạo hiểm khám phá sẽ trở nên phổ biến hơn…

   Tú Làn - một nơi để có thể thấy giới hạn của mỗi người là không có giới hạn nào!
---
(*): Người Nguồn là tên gọi cộng đồng người gồm 3,5 vạn nhân khẩu, sinh sống ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Người Nguồn sống xen kẽ với người Sách và người Rục ở Thượng Hóa, Hóa Sơn, người Mày, người Khùa, và người Arem ở xã Dân Hóa và xã Trọng Hóa.





Bookkhachsan.com - Theo muctim.com.vn


Qua Tang Online