Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Quán cóc

Vỉa hè Hà Nội

Đăng lúc 11:12 ngày 28/09/2006
Photo
Người Hà Nội, Người Việt Nam có bao nhiêu điều yêu quý và tự hào với đất Thăng Long 1000 năm. Nhưng cũng không ít những điều để trăn trở: Vỉa hè Hà Nội v.v...
 


Ai và từ lúc nào phát minh ra cái vỉa hè?

Trong cái buổi sớm thu se se nắng, se se gió, mà ngã tư đường phố xe cộ đã tắc nghẽn đến nỗi trong chốc lát, vỉa hè, nơi những đứa trẻ mẫu giáo hồn nhiên nối đuôi nhau đến trường, vừa đi vừa hát vang, ngộ nghĩnh, đã phải đứng nép vào nhau nhường cho đoàn xe máy, xe đạp ngang nhiên ào ào chen chúc lao lên trước trên đoạn vỉa hè bất lực.

Kỷ lục Ghi-net ngược:

Giở Từ điển Tiếng Việt thông dụng, chỉ thấy ghi chú: “Vỉa hè: phần dọc theo hai bên phố, được xây lát, dành cho người đi bộ”. Theo định nghĩa ấy, nếu ví đường phố như một bản nhạc hoành tráng hoặc xô bồ, còn đầy tạp âm thì vỉa hè là “quãng lặng” cần thiết, ngăn cách giữa những âm thanh đa dạng, hỗn tạp, của đường phố (hay xô bồ của cuộc đời) với sự yên tĩnh, mát lành của mỗi ngôi nhà (hay sự bình yên trong tình thương yêu giữa những con người).

Nhưng nếu có một kỷ lục Ghi-nét “ngược”, tôi xin được đề cử: Vỉa hè đa năng Hà Nội. Có lẽ cũng ít có thủ đô nào ở các quốc gia đang hướng tới văn minh đô thị, mà vỉa hè lại “đa năng” đến thế, lại đạt kỷ lục về sự "đa dụng" đến thế. Vỉa hè là quán ăn. Quá nhiều đoạn vỉa hè của không ít con phố (trừ một vài khu vực trung tâm là “mặt tiền” của Thủ đô), bạn có thể gặp các quán ăn buổi sáng, buổi trưa, buổi tối phục vụ nhu cầu ăn của người Hà Nội: phở, bún riêu, bánh cuốn, xôi chè, cơm bụi... Chỉ cần một vài chiếc bàn con, một vài chiếc ghế con là người ta có thể xì xụp, thích thú thưởng thức đủ loại ẩm thực bình dân nhưng nổi tiếng đến mức khó quên, giữa bụi bậm đường phố. Hoặc làm một suất cơm đĩa, cơm phần ngon lành dưới cái nắng nóng trưa hè, hay cái lạnh tê tái của mùa đông Hà Nội. Mà có khi cũng chẳng cần đến bàn, đến ghế. Quanh một gánh bún ốc, bún riêu, bún đậu mắm tôm, nam thanh nữ tú cho đến các vị công chức ở Hà Nội có thể ngồi xổm chan chan, húp húp, chấm chấm xuýt xoa vì cái nóng, cái cay lẫn cái ngon. Và khi các vị thực khách đứng lên, ôi thôi, là giấy lau tay, lau miệng trắng xoá đến chiều tối.

Vỉa hè là quán giải khát:

Hà Nội nổi tiếng là cà phê ngon. Nhưng Hà Nội còn nổi tiếng bởi các quán “cóc”. Người Hà Nội không chỉ ưa thưởng thức cà phê trong các quán, nhà hàng sang trọng, lịch sự. Họ còn thích thú được ngồi uống cà phê một cách dân dã ở vỉa hè. Vài ba chiếc ghế mây thấp lè tè, một ly đen hay ly nâu nóng hổi, một vài người bạn chí cốt hay có khi chỉ một mình, tờ báo trong tay hoặc điếu thuốc, cùng cái nhìn lơ đãng phố xá, người qua kẻ lại. Cũng đủ làm nên một không gian văn hoá dân dã vô cùng thú vị. Thế đấy.

Nhưng quán “cóc” mới thực sự là nét riêng của Hà Nội một thời gian truân, và cái gian truân ấy bỗng trở thành không thể thiếu trong đời sống thường nhật của biết bao con người, cho dù cuộc sống nay đã khấm khá hơn rất nhiều. Một cái quầy nho nhỏ, có khi chỉ là cái hòm gỗ đơn giản. Vài chiếc ghế con con. Vài chén trà nóng hổi, điếu thuốc lá, cùng đĩa kẹo vừng, kẹo lạc. Dăm ba người đàn ông. Thế là thành một “quán cóc”. “Quán cóc” không còn “nhảy” như cóc mỗi khi có bóng dáng hay sắc phục cảnh sát, mà đã trở thành quán cố định nhan nhản khắp vỉa hè Hà Nội. Chẳng ai còn thấy là luộm thuộm, hay tuỳ tiện, mất mỹ quan, lạ thế! Nó còn trở thành “văn hoá quán cóc”. Và cứ thế, nó “liêu xiêu” đi vào cả ca từ của một bản nhạc nổi tiếng về Hà Nội.

Vỉa hè là siêu thị khổng lồ:

Có những đoạn vỉa hè, chẳng biết từ bao giờ, bỗng biến thành những chợ “cóc” (lại “cóc”), với những bà, những mẹ, những chị tần tảo bán rau, bán thịt, bán đậu. Nơi là chợ quần áo “Sida”, bán toàn quần áo cũ nhưng có khi vẫn là “mốt” là “của độc” của không ít thanh niên, sinh viên, người nghèo. Nơi là chợ vật liệu xây dựng sắt thép, sỏi đá ngổn ngang, chẳng thấy bóng dáng con người đâu, nhưng mọi việc mua bán cứ diễn ra “hết ngày dài lại đêm thâu”. Nơi là quán sách, quán bán kính, quán giầy dép, hoa quả...

Khác chăng là cái siêu thị khổng lồ này, chỉ cần ai đó hô “cảnh sát” là ôi thôi hàng họ, quang gánh, thúng mủng... chạy tứ tán. Rồi chỉ một lúc thôi, các “gian hàng” của siêu thị lại tụ hội chỗ cũ, cò cưa, trêu ngươi pháp luật, lại tưng bừng kẻ bán người mua, như chưa từng có chuyện ba chân bốn cẳng thi chạy bao giờ.


Qua Tang Online