Quán nằm trong hẻm, cách đường Nguyễn Trung Trực, Phú Quốc chừng 100m. Bà Phụng bán món điểm tâm này cho khách địa phương từ hàng chục năm nay, khách phương xa tới đột xuất muốn thưởng thức phải nhờ người dặn trước.
Tô bánh canh nóng hổi, bày trước mặt khách hàng khá ngon mắt. Nổi lên mặt tô là mấy lát thịt cá thu trắng tinh, mấy lát chả cá thu tươi vò viên và mấy miếng cá thu chiên vàng. Điểm xuyết mặt tô là màu xanh của những cọng ngò ngai xắt nhuyễn. Anh bạn tôi vắt miếng chanh theo thói quen, bị anh Phát, dân địa phương chỉnh ngay: “Không nên làm vậy, phải nặn như vầy”. Nói rồi, anh thị phạm cho chúng tôi xem: anh cầm lát chanh cho phần vỏ xuống dưới, nghiêng bàn tay một chút, bóp mạnh. Anh nói, nặn kiểu này vừa được vị chua của chanh, lại có thêm vị the thanh lạ miệng, kích thích tiêu hoá của vỏ chanh. Có người quen cách ăn món lót lòng có nước ở đất liền, kêu quán cho chén giá sống. Anh Phát chặn ngay: “Không nên cho giá sống vào bánh canh, vì nó làm tan loãng hương vị đặc trưng của món ăn sáng này”.
Giằm ớt hiểm rừng vào chén nước mắm cốt, chan một ít vào tô bánh, trộn đều. Gắp một đũa, nhai. Nghe sợi bánh dai dai, mềm giòn, ngọt tinh bột đang nhừ trong răng. Bí quyết để có sợi bánh ngon như vừa kể là phải trụng sao cho còn “ngòi” (tim đục - phần ruột chưa chín hết). Múc một muỗng nhai, vị ngọt của cá thu tươi, cá thu chiên thấm ngay vào họng.
Bánh canh bà Phụng đúng là có thể ăn thêm nữa nên 8 giờ sáng đã không còn một cọng bánh, một miếng nước lèo. Thưởng thức món ngon độc nhất vô nhị ở đảo này – theo lời ông Phát - chỉ có 10.000đ/tô “ế-pinh”. Chính vì vậy mà ai cũng lấy làm tiếc khi chiều nay kẻ lên tàu, người bước lên máy bay rời hòn đảo ngọc, không được tận hưởng món ngon độc đáo này thêm lần nữa!