Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Chợ phiên giữa lòng Hà Nội

Đăng lúc 08:57 ngày 22/03/2007
Photo
Cứ vào ngày 4, ngày 9 âm lịch hàng tháng (mùng 4, mùng 9, 14, 19, 24, 29) trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám gần chợ Bưởi lại đông nghẹt người đến đây mua hoa, cây cảnh, bởi họ biết rất rõ phiên chợ Bưởi hợp vào những ngày này. Chợ phiên, một nét văn hóa xưa vẫn đang tồn tại ngay trong lòng một Hà Nội đang hiện đại hóa từng ngày…
 


Chợ Bưởi được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Xưa kia, chợ Bưởi vốn được định vị trên đất làng Yên Thái ở bờ Tây Nam của Hồ Tây. Chợ nằm ở trung tâm vùng kẻ Bưởi cũ, giữa một vùng thủ công làng nghề làm giấy, dệt lụa, dệt lĩnh, nấu nha, nuôi lợn, trồng dâu,… Vùng kẻ Bưởi gồm chục làng mang tên, Nghĩa Đô, Trung Nha, Vạn Long, Bái Ân, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã, Hồ Khẩu. Chợ Bưởi có vị trí địa lý rất tốt, nơi hợp lưu giữa con sông tự nhiên là Tô Lịch và Thiên Phù, thuận lợi cho việc buôn bán giao lưu trên bến dưới thuyền tấp nập. Chợ lại nằm kề vùng tường thành bao quanh kinh đô Thăng Long nên dân cư tập trung qua lại khá đông.

Chợ Bưởi từ xưa vốn là nơi buôn bán hàng hóa của dân các làng nghề trong vùng và các vùng lân cận. Theo các thư dịch cũ còn lại, chợ Bưởi từng có 15 gian hàng buôn các loại giấy do dân các làng nghề kẻ Bưởi làm ra. Đó là giấy Bản của làng Yên Thái, giấy Moi của Hồ Khẩu, giấy Quỳ của Đông Xã, giấy Xề của làng Yên Hoa.

Trước kia vào phiên chợ duy nhất 29 tháng chạp âm lịch mỗi năm, chợ Bưởi còn bán các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa,… Cây si cổ thụ cao sừng sững đến mười mấy người ôm mới hết vòng tay ở góc đường Thụy Khuê và Lạc Long Quân có lẽ cùng tuổi với chợ Bưởi. Xưa kia, dưới bóng cây, những chú trâu, bò, ngựa đứng thành từng đàn để người mua lựa chọn. Ông bà ta xưa thật khéo léo trong việc lựa chọn ngày 29 làm phiên chợ đại gia súc vì đây là dịp giáp tết, là ngày đẹp và cận kề để những người mua trâu, bò về làm thịt đón tết. Thường cả làng sẽ đụng chung một con rồi chia đi từng nhà. Còn những người mua trâu bò để nuôi thì cho rằng mua vào dịp này sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới.

Từ những nơi xa, những vùng khác nhau, nhiều người bán hàng đã chuẩn bị hàng hóa cảu mình thật chu đáo rồi mang đến chợ từ chiều hoặc tối hôm trước để cho kịp chợ phiên sáng hôm sau. Họ ngủ lại gần chợ, kham khảo giá của nhau để bán sao cho được giá.

Chợ Bưởi ngày nay bán đủ mọi thứ: từ quần áo, vải vóc, tơ lụa, mũ nón, đến rau cỏ, thịt cá, đồ khô như nấm hương, mộc nhỉ, hàng nan, hàng mây tre đan, bát đĩa, ấm chén. Nhưng thu hút đặc biệt hơn cả với người Hà Nội vẫn là 2 loại mặt hàng truyền thống là hoa cây cảnh và vật nuôi như chó, mèo, gà, thỏ,… vào những ngày phiên chợ. Vào những ngày chợ phiên thì số lượng các mặt hàng hoa và cây giống tăng lên gấp chục lần so với ngày thường. Được biết, cây giống các loại bày bán ở buổi chợ phiên thường lấy từ các làng trồng hoa và cây cảnh cổ truyền ven Hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các vùng rau, hoa như Tây Tụu, Phú Thượng. Muốn tìm mua những cây giống ăn quả hay những cây bóng mát như ngọc lan, hoàng lan, bằng lăng, phượng vĩ,… chỉ cần lên chợ Bưởi ngày phiên. Nhiều người dân Hà Thành dù không mua nhưng cũng rủ nhau lên chợ để được ngắm hoa và cây cảnh với đủ loại màu sắc khác nhau như hoa hồng, hoa huệ, tường vi, dâm bụt, trinh nữ,… Những sắc hoa tươi mang lại sự thư thái cho mọi người. Nhưng đặc biệt nhất của chợ phiên vẫn là hàng con giống. Trước kia, cứ vào chợ phiên Bưởi thì hàng con giống đông vui nhất. Người bán rất nhiều, người đến xem hàng không ngớt. Những con giống như lợn, gà, vịt, chó, mèo, thỏ, chim được bày bán với nhiều loại khác nhau. Chỉ cần vào một buổi chợ phiên thôi thì cũng đong đầy cả một túi kinh nghiệm, nào là cách chọn chó, chọn mèo, chọn gà, chọn thỏ,…

Phiên chợ Bưởi từ lâu với những nét đẹp vốn có như vậy đã đi vào tâm hồn của biết bao nhiêu người Hà Nội mà ít chợ nào có được. Hà Nội phong phú với nhiều chợ nhưng phiên chợ Bưởi vẫn mang trong mình nhiều nét riêng biệt. Giờ đây, chợ Bưởi đã không còn cổ kính tấp nập như xưa. Chợ mới được xây dựng lại đẹp hơn, khang trang hơn. Nét văn hóa chợ phiên vẫn còn nhưng sự nhộn nhịp mất dần. Phiên chợ bán đại gia súc vào ngày 29 không còn nữa. Phiên chợ Bưởi cũng đi vào phương ngôn kẻ chợ một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng:

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng


Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Riêng đến tháng tám lại thêm phiên rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo lầm
Đi mua hoa quả chơi rằm trung thu

Thiết nghĩ, phiên chợ Bưởi đã góp phần không nhỏ vào văn hóa chợ nói riêng và nét đẹp văn hóa truyền thống nói chung. Chính vì thế chúng ta phải giữ gìn phiên chợ Bưởi như giữ gìn văn hóa chợ trong nền văn hóa dân tộc. Phiên chợ Bưởi giữa lòng Hà Nội vừa mang cái thanh lịch của vùng đất ngàn năm văn hiến, vừa mang cái bình dị dân dã, bình dị như chính người dân chất phát, hồn hậu.


Qua Tang Online