Con người và tất cả mọi sinh vật sinh ra đều phải ăn uống mới sống. Sự tồn tại, hình thành và phát triển văn minh của nhân loại cũng trải qua sự hoàn thiện khoa học của lịch sử ẩm thực.
Người Việt Nam ta, từ cổ chí kim đều phải ăn để sống. Từ thời mới khai hoang lập địa dân ta đã trồng lúa. Trong vùng Đồng Tháp Mười còn có giống lúa, chẳng ai gieo trồng, tự nó mọc lên và lớn mạnh trong môi trường thiên nhiên, nước lũ lên cao tới đâu, nó ngóc đầu lên cao tới đó. Con người chỉ việc ra thu hoạch đem về ăn rất ngon, gọi là “cơm gạo lúa ma”, trong dân gian nói rằng: “Trời sinh voi, sinh cỏ”. Con người, ngoài lúa gạo còn dùng các loại khoai củ, các loại đậu, bắp...làm thực phẩm.
Trên thực tế, ngày nay cùng với sự giao lưu văn hoá trên toàn cầu, nhiều món ăn ngoại lai đã được du nhập vào nước ta, ngày càng quen thuộc và phổ biến.
Khác với con người lúc còn sơ khai chỉ biết ăn những thức ăn có sẵn ở gần nơi họ đang sống, khác với loài vật như con bò chỉ ăn cỏ, con mối ngày đêm chỉ biết nghiến gỗ, loài khỉ chỉ thích ăn trái cây ngọt... con người thì ăn nhiều thứ, ăn mỗi thứ một chút.
Đất nước Việt Nam từ chóp mũi Cà Mau trải dài ra tận đến vùng cực Bắc giáp ranh với Trung Hoa,trên bờ dưới nước, rừng vàng biển bạc, đồng bằng phì nhiêu trù phú, sơn hào hải vị, thuỷ đặc sản, lúa gạo ngọt ngào thơm ngon đủ chủng loại, do trong thiên nhiên ưu đãi. Chỉ cho đến thập niên gần đây, ta mới có điều kiện khai thác đánh bắt nhiều sản vật đưa vào phụng sự đời sống con người.
Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh là các trung tâm văn hoá lớn của đất nước nhất là vùng đất Nam Bộ trù phú, sản vật dồi dào đang có một phong cách ẩm thực đa dạng uyển chuyển “Đẹp lòng khách đến, hài lòng khách ra đi”.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ cư dân từ mọi miền trong đất nước và là cửa ngõ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, là một trong các thành phố lớn đã tiếp nhận được nhiều tinh hoa các dòng ẩm thực mọi miền trong nước và cả thế giới.
Vốn thông minh, nhạy cảm, các đầu bếp của ta dày công chọn lọc đã chế biến ra những món ăn hấp dẫn ngày càng thu hút mọi khách thập phương.
Ngày nay dễ thấy ở TP Hồ Chí Minh vô số thực đơn Bắc- Trung - Nam và quốc tế. Theo đúng nguyên bản cũng có, nhưng phổ biến hơn vẫn là những món ăn đã được Việt Nam hoá, Sài Gòn hóa, và có hương vị, giác vị hợp thời đậm đà phong phú.
Chất Sài Gòn hào phóng Nam Bộ thường thể hiện ở vị ngọt, nhiều rau xanh và nhiều loài thuỷ đặc sản tươi sống. Cứ như về món canh chua Nam Bộ nay đã kết hợp cả cái chua mặn hương hoa đất Bắc, cái phong vị cay nồng ớt tươi của miền Trung, hoà điệu trong cái ngọt “xởi lởi” của miền Nam.
Món bún bò Huế được “cải biên” để bớt cay, thêm ngọt dịu, thêm béo, thêm rau. Món bò bít tết của phương Tây thì mỏng hơn, chín hơn, nhiều gia vị và kèm rau sống, đồ chua.
Tuy nhiên vấn đề ẩm thực dẫu đang thời thượng trong ngày nay, vẫn không phai mờ trong tâm thức, cội nguồn của con người. Khuynh hướng ẩm thực gần đây đang hướng về các món ăn “hương đồng cỏ nội” hướng về cội nguồn chốn quê của thời xa xưa khẩn hoang mở cõi, đang làm sống động lại trong lòng thực khách tại các nhà hàng quán hiệu ở chốn phồn hoa đô thị. Có cả các món chuột đồng rô ti, châu chấu chiên giòn, lươn hấp trái bầu, ếch xào lăn, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu...trên cái bàn tiệc.
Món lẩu sành điệu phải đủ hai mươi mấy thứ rau đồng nội như cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển... món nướng thì nào lập làng, lập trại... nướng than hồng, nướng trui, nướng mọi, nướng lu, nướng đất sét...
Các món ăn cung đình thời vương triều tại cố đô Huế cách nay hàng thế kỷ cũng đang được phục hồi. Nhiều món ăn, đồ uống đã vượt vượt thời gian, không ngừng bổ sung vào thực đơn phục vụ con người thời nay. Lịch sử ẩm thực gắn liền với hoàn cảnh đất nước, hài hòa giữa tân và cựu chính là giá trị vĩnh cửu của một nền văn hóa thống nhất và đa dạng.