Dưới một con dốc quanh năm mờ sương của Kon Tum, cà phê Eva tạo ấn tượng bằng không gian im lặng của vườn tượng gỗ. Có vài góc ngồi lọt thỏm trong không gian của một căn bếp của người Giẻ Triêng.
Bếp lửa đã nguội nhưng trên trần nhà củi thông khô như bông hoa xếp chồng lên nhau vẫn tạo cảm giác ấm cúng. Chủ quán, một hoạ sĩ, đã nhiều năm chìm đắm trong vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên. Trong những căn nhà mái lá, vô số những vật dụng mang hơi hướng của núi rừng, bản làng như cồng chiêng, bẫy thú, gùi, vải khố, những quả bầu khô đựng rượu… đặt vung vãi khắp nơi. Những bức tượng nhà mồ lưu lạc từ những cánh rừng ngủ yên đã lâu, trong những nghĩa địa bỏ hoang của những tộc người Bana, Jrai, Êđê như chẳng liên quan gì tới sự ồn ào của phố thị xung quanh.
Tượng nhà mồ được chủ nhân sưu tầm nhiều vô kể, có cái là hiện vật thật trôi dạt từ bản làng nào đó của các nghệ sĩ vô danh, có cái được phóng tác theo những hình tượng con giống, những biểu trưng của quy luật sinh tồn âm dương. Tượng nhà mồ ở Eva là tượng gỗ, đôi khi là cả một thân cây rừng cao lớn vừa là tác phẩm điêu khắc vừa được sử dụng luôn làm cột nhà. Giá trị vô song của những bức tượng này nằm ở chỗ chúng được tạc theo lối truyền thống, nghĩa là bằng rìu, một cách làm mà nay chỉ còn một hai nghệ nhân ở Kon Tum thực hiện được.
Rất lạ là hầu như chẳng ai nói lớn, đa số yên lặng thưởng thức tách cà phê thơm, trong cái không gian ẩm ướt và se lạnh. Tiếng róc rách của cây đàn nước có lẽ là âm thanh duy nhất mà mọi người đều có thể cùng nhau lắng nghe. Buổi chiều, không khí trong vườn u tịch với những bức tượng, những súc gỗ đã được thổi linh hồn vào đấy, để trở thành chứng nhân cho những cuộc hội ngộ giữa bên này và bên kia thế giới.